(TVPLO) – Hợp pháp hóa lãnh sự là điều kiện để tòa án Việt Nam chấp nhận việc ủy quyền, cho phép người được ủy quyền được tham gia tố tụng chứ không phải là ngày xác lập, giao kết hợp đồng ủy quyền.
Vừa qua (ngày 9-9), VKSND Tối cao ban hành Văn bản số 3854/VKSTC-V9 giải đáp vướng mắc về kiểm sát việc giải quyết vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình.
Theo đó, VKSND Tối cao đã trả lời một số vướng mắc về việc thực hiện BLDS năm 2015 về hợp đồng ủy quyền của VKSND tỉnh Lâm Đồng.
Hình minh họa.
Công việc nào được ủy quyền?
Tại văn bản hỏi ý kiến, VKSND tỉnh Lâm Đồng nêu: Điều 562 BLDS năm 2015 quy định “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền”. Tuy nhiên pháp luật không quy định cụ thể công việc nào được ủy quyền…
Trả lời, VKSND Tối cao cho rằng pháp luật hiện hành không quy định về công việc được ủy quyền, nhưng có quy định về các trường hợp không được ủy quyền, như: đăng ký kết hôn (Điều 8 Luật Hộ tịch); ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng giải quyết việc ly hôn (Điều 85 BLTTDS); đăng ký nhận cha, mẹ, con (Điều 25 Luật Hộ tịch); công chứng di chúc (Điều 56 Luật Công chứng); có quyền, lợi ích hợp pháp đối lập với người được ủy quyền, cán bộ, công chức trong cơ quan tòa án, VKS, công an (Điều 87 BLTTDS); ủy quyền cho người thứ ba trong việc mang thai hộ (Điều 96 Luật Hôn nhân và Gia đình); hạn chế việc ủy quyền của chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản (Điều 13 Luật Kinh doanh bất động sản);…
Như vậy, ngoại trừ những trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền, người có quyền, nghĩa vụ có thể ủy quyền cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, công việc được ủy quyền phải bảo đảm các yêu cầu là các việc xuất phát từ quyền, nghĩa vụ của người ủy quyền theo quy định của pháp luật; không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; là việc phải thực hiện được…
VKSND tỉnh Lâm Đồng còn gặp vướng mắc trong áp dụng Điều 569 BLDS năm 2015. Cụ thể, Điều 569 quy định trường hợp ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên kia biết một thời gian hợp lý. Tuy nhiên, việc xác định một bên đã hoàn thành nghĩa vụ báo trước là khó, dẫn đến không đủ cơ sở xác định hợp đồng ủy quyền đã chấm dứt hay chưa…
VKSND Tối cao cho rằng theo Điều 428 BLDS thì “Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt”. Hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hợp đồng là các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện. Bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường.
Như vậy, đương sự cho rằng mình đã hoàn thành nghĩa vụ báo trước và hợp đồng đã chấm dứt có trách nhiệm chứng minh việc đã báo trước và việc bên kia đã nhận được thông báo chấm dứt. Để xác định việc báo trước có bảo đảm “thời gian hợp lý” hay không phải xem xét đối với từng công việc ủy quyền cụ thể, thỏa thuận về trách nhiệm báo trước của các bên và thực tế thực hiện quyền, nghĩa vụ của các bên trong cả quá trình thực hiện hợp đồng (thói quen, tập quán hành xử giữa các bên).
Vướng mắc về thời hạn của hợp đồng ủy quyền
Câu hỏi thứ 3 VKSND tỉnh Lâm Đồng gửi đến VKSND Tối cao là trong hợp đồng ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng giải quyết vụ án tại tòa án có ghi thời hạn ủy quyền là “kể từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc vụ kiện bằng một bản án có hiệu lực pháp luật”. Vậy thời điểm bắt đầu vụ kiện là khi nào?
Theo VKSND Tối cao, đây là trường hợp các bên có thỏa thuận về thời hạn ủy quyền trong hợp đồng. Để xác định chính xác thời hạn ủy quyền trong trường hợp trên cần căn cứ vào các công việc được ủy quyền được ghi trong hợp đồng. Theo đó, công việc đầu tiên bắt đầu từ thời điểm nào thì thời hạn ủy quyền được xác định bắt đầu từ thời điểm đó. Ví dụ, công việc được ủy quyền đầu tiên là nộp đơn khởi kiện thì tính thời hạn ủy quyền bắt đầu từ thời điểm này.
Còn theo BLTTDS thì khi tòa án thụ lý mới bắt đầu có vụ án dân sự hoặc việc dân sự, trước đó là việc nhận và xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu. Sau khi tòa án thụ lý mới xuất hiện tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự; người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự. Đương sự có quyền, nghĩa vụ chung và riêng theo quy định của BLTTDS.
Do đó, cần căn cứ vào nội dung ủy quyền thực hiện quyền, nghĩa vụ gì để xác định thời điểm bắt đầu thực hiện quyền, nghĩa vụ đó. Trên cơ sở đó, mới xác định được chính xác thời điểm bắt đầu thời hạn ủy quyền.
Thời hạn ủy quyền của đương sự nước ngoài
VKSND tỉnh Lâm Đồng đặt câu hỏi: Trường hợp hợp đồng ủy quyền được lập ở nước ngoài, do đương sự ở nước ngoài ủy quyền cho người ở Việt Nam tham gia tố tụng giải quyết vụ án tại tòa án Việt Nam không ghi thời hạn ủy quyền.
Điều 563 BLDS năm 2015 quy định thời hạn ủy quyền là 1 năm kể từ ngày xác lập việc ủy quyền. Vậy ngày nào là ngày xác lập việc ủy quyền (ngày người ủy quyền ký hợp đồng, ngày người nhận ủy quyền ký hợp đồng, ngày cơ quan chức năng của nước ngoài xác nhận hay ngày hợp pháp hóa lãnh sự)?
VKSND Tối cao trả lời: Trong trường hợp hợp đồng ủy quyền không ghi thời hạn ủy quyền thì vẫn có thể xác định thời hạn ủy quyền trên cơ sở các công việc được ủy quyền mà các bên đã thỏa thuận, thống nhất trong hợp đồng (thời hạn ủy quyền bắt đầu từ thời điểm thực hiện công việc đầu tiên và kết thúc khi hoàn thành công việc cuối cùng được ủy quyền trong hợp đồng). Trường hợp này có thể xác định là các bên đã có thỏa thuận về thời hạn ủy quyền.
Điều 563 BLDS năm 2015 quy định “nếu không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 1 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền”.
Khoản 4 Điều 400 BLDS năm 2015 quy định “thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản”. Xác lập việc ủy quyền là do ý chí của các bên quyết định nên thời điểm xác lập việc ủy quyền là thời điểm giao kết hợp đồng ủy quyền, là thời điểm bên sau cùng ký vào hợp đồng ủy quyền.
Cạnh đó, theo khoản 2 Điều 2, Điều 3 Nghị định 111/2011 về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự thì “hợp pháp hóa lãnh sự” là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam. Nó không bao hàm chứng nhận về nội dung và hình thức của giấy tờ, tài liệu.
Như vậy, hợp pháp hóa lãnh sự là điều kiện để tòa án Việt Nam chấp nhận việc ủy quyền, cho phép người được ủy quyền được tham gia tố tụng chứ không phải là ngày xác lập, giao kết hợp đồng ủy quyền.
YẾN CHÂU
https://plo.vn/nhieu-giai-dap-huu-ich-cua-vksnd-toi-cao-giup-go-vuong-nhung-thac-mac-ve-hop-dong-uy-quyen-post810584.html