(TVPLO) – Bài viết đề cập đến nguyên nhân và điều kiện phạm tội của người chưa thành niên dựa trên các khía cạnh kinh tế – xã hội, quản lý nhà nước và quản lý, giáo dục từ gia đình và nhà trường. Từ đó, đề xuất các giải pháp để phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội.
Một nhóm cướp chưa thành niên bị Công an TP HCM bắt giữ – Ảnh: TL
- Khái quát chung về người chưa thành niên phạm tội
1.1. Khái niệm về người chưa thành niên phạm tội
Theo Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989, trẻ em là người dưới 18 tuổi (trừ khi pháp luật quốc gia quy định độ tuổi sớm hơn). Các văn bản khác như: Các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hợp quốc về hoạt động tư pháp đối với người vị thành viên năm 1985, Hướng dẫn của Liên Hợp quốc về phòng ngừa phạm pháp ở người chưa thành niên năm 1990 và Quy tắc của Liên Hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước quyền tự do năm 1990 quy định, người trẻ tuổi bao gồm người chưa thành niên, trẻ em là những người chưa đến 18 tuổi và thanh niên là những người từ 15 đến 24 tuổi[1].
Việt Nam cũng có một số quy định về lứa tuổi của trẻ em và người chưa thành niên. Cụ thể: Trong Luật Trẻ em năm 2016 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”; Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên”; Điều 143 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi”; Điều 90 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này (Chương XII), đồng thời theo những quy định khác của Phần chung của Bộ luật không trái với quy định của Chương này”.
Như vậy, có thể hiểu, người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi, chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tâm lý và kinh nghiệm sống, trình độ nhận thức còn hạn chế. Căn cứ vào quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, có thể xác định người chưa thành niên phạm tội như sau: “Người chưa thành niên phạm tội là những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, có đủ năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện, có lỗi xâm phạm đến các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ và phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình”.
1.2. Đặc điểm tâm lý, sinh lý và các yếu tố tác động tới quá trình phạm tội của người chưa thành niên
Thứ nhất, sự phát triển tâm lý, sinh lý lứa tuổi: Do sự phát triển về sinh lý cùng những xáo trộn trong đời sống tâm lý của lứa tuổi này nên đã có những ảnh hưởng lệch chuẩn đến hành vi vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên.Tìm hiểu các tài liệu nghiên cứu về tâm lý, sinh lý lứa tuổi, có thể thấy rằng, trong giai đoạn 11 tuổi, 12 – 17 tuổi và 18 tuổi, đặc biệt là độ tuổi từ 12 – 15 tuổi thì đời sống tâm lý, sinh lý của lứa tuổi này có sự thay đổi và phát triển khá phức tạp. Điều này là do sự xuất hiện những yếu tố mới của sự trưởng thành, kết quả của sự biến đổi cơ thể, sự tự ý thức, các mối quan hệ với người lớn, với bạn bè, của hoạt động học tập, hoạt động xã hội… đã tác động đến nhận thức và hành vi của các em[2]. Sự phát triển nhanh về thể chất đã ảnh hưởng đến xu hướng thực hiện các hành vi bạo lực khi muốn thể hiện sức mạnh bản thân, từ đó dễ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật hình sự như cố ý gây thương tích; chống người thi hành công vụ… Chỉ cần có va chạm nhỏ cũng có thể dẫn đến việc sử dụng hành vi bạo lực để giải quyết và bất chấp những hậu quả nghiêm trọng, suy nghĩ cảm tính, bồng bột[3].
Bên cạnh đó, tâm lý, sinh lý của người chưa thành niên chưa ổn định, nhân cách chưa hoàn thiện, nhận thức về các vấn đề xã hội còn hạn chế, thậm chí sai lệch, do đó, người chưa thành niên thường có tính cách nông nổi, hiếu thắng, liều lĩnh trước tác động của ngoại cảnh, có đặc tính tò mò, hiếu kỳ nên thiên hướng bắt chước ngay cả những hành vi sai trái của người lớn. Đây là lứa tuổi mà kinh nghiệm sống chưa có hoặc chưa đủ, đặc biệt là khả năng nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế[4].
Thứ hai, về tình cảm: Người chưa thành niên phạm tội thường là người dễ bị các tác động tiêu cực do từng trải qua những bất hạnh trong cuộc sống gia đình (gia đình không hòa thuận, bố mẹ ly hôn, không nơi nương tựa…). Hoặc có những người chưa thành niên gặp rung động đầu đời, do không được gia đình uốn nắn, cộng thêm việc bị vô tình hay cố ý “tiêm nhiễm” những câu chuyện tình lãng mạn trên các phương tiện thông tin dẫn đến những hành vi dại dột[5]. Tình cảm thường xuyên có tính rung động cao, dễ bị kích động, bồng bột, dễ thay đổi là đặc trưng cơ bản lứa tuổi của những người chưa thành niên phạm tội.
Thứ ba, về nhận thức: Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng gia tăng phạm tội ở người chưa thành niên là do sự nhận thức kém, lệch lạc về đời sống xã hội cũng như thiếu hiểu biết về pháp luật dẫn đến quan điểm phiến diện, thiếu hệ thống. Ngoài ra, người chưa thành niên phạm tội thường muốn có những đặc quyền của người lớn nhưng họ lại không hiểu rằng, những quyền lợi này lại gắn liền với trách nhiệm. Đa số người chưa thành niên phạm tội chỉ nhận ra điều này khi họ phải trực tiếp đối mặt với những hậu quả pháp lý được quy định do hành vi nguy hiểm mà bản thân gây ra.
Thứ tư, về nhu cầu, hưởng thụ: Xã hội ngày càng phát triển, con người đầy đủ hơn về vật chất, cùng với đó là các giá trị tinh thần, các dịch vụ giải trí cũng được cải thiện nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người. Khi các nhu cầu ngày càng nhiều, càng cao, con người lại muốn được thỏa mãn nhưng không đủ khả năng và trong nhiều trường hợp, họ sẽ tìm mọi cách bất chấp đạo đức, bất chấp pháp luật chỉ để thỏa mãn nhu cầu, dục vọng cá nhân. Người chưa thành niên là nhóm người có nhiều nhu cầu nhưng lại ít được đáp ứng, bởi vì, ở độ tuổi này, người chưa thành niên trong giai đoạn dậy thì, biến đổi lớn về mặt tâm lý, sinh lý, các nhu cầu gia tăng, nhưng phần lớn họ chưa có khả năng tự chủ về kinh tế để thỏa mãn nhu cầu của mình[6].
- Nguyên nhân và điều kiện phạm tội của người chưa thành niên
2.1. Điều kiện về kinh tế – xã hội
Ở Việt Nam, tình trạng thất nghiệp của một bộ phận dân cư ở thành thị và một bộ phận dân cư thiếu việc làm ở nông thôn còn ở mức cao, chính quyền chưa có cách tháo gỡ, khắc phục. Thời gian qua, xã hội đã có những biến động do tác động của toàn cầu hóa dẫn đến một số tiêu cực có chiều hướng lấn át những giá trị truyền thống, vi phạm giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mặt khác, sự phân hóa giàu, nghèo ở nhiều nơi đã trở nên rõ rệt làm nảy sinh tư tưởng khinh người, coi thường đạo lý của một bộ phận những người giàu sang; đối lập tư tưởng này là tư tưởng tự ti, an phận, ích kỷ của một số người nghèo. Trong những người trên có thể là bố mẹ của những người chưa thành niên và chính những người chưa thành niên bị ảnh hưởng tư tưởng này từ cha mẹ dẫn đến việc hình thành tâm lý lệch lạc sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự nhằm “giải tỏa” tâm lý này.
2.2. Quản lý nhà nước
Do những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường cùng với những thiếu sót trong việc quản lý văn hóa – xã hội của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội nên chúng ta chưa đánh giá hết tính chất phức tạp, nghiêm trọng của tình hình tội phạm của người chưa thành niên, cụ thể:
Công tác quản lý văn hóa phẩm còn nhiều thiếu sót, nhiều loại văn hóa phẩm có nội dung đồi trụy, khiêu dâm, văn hoá phẩm xấu độc có số lượng khá lớn với tác hại khôn lường xuất hiện phổ biến trên thị trường và trên một số trang mạng internet. Lợi dụng tâm lý của giới trẻ mới lớn, chưa trải nghiệm, thích khám phá về tình yêu, tình dục, các cơ sở sản xuất trái phép đã không ngừng sử dụng những nội dung kích dục, khiêu dâm.
Bên cạnh đó, văn hóa phẩm có nội dung kích động bạo lực cũng là một loại văn hóa phẩm “đen” tồn tại khá phổ biến thời gian qua, đặc biệt là các hình ảnh trên một số trang mạng điện tử. Nội dung của loại văn hóa phẩm này kích động lối sống bạo lực, kích động hành xử xã hội theo kiểu “xã hội đen”, chém giết lẫn nhau, coi thường sinh mạng con người. Những nội dung này hoàn toàn đi ngược lại với lối sống nhân văn và truyền thống văn hóa con người Việt Nam.
Ngoài sự tác động của văn hóa “độc hại” thì một lỗ hổng nữa trong quản lý dịch vụ loại hình giải trí đó là trò chơi trực tuyến trên mạng Internet (game online). Dựa trên đặc tính ham chơi của giới trẻ, các “nhà kinh doanh” luôn tìm mọi cách để thu hút khách mà không kể lứa tuổi dẫn đến rất nhiều “fan game” là người chưa thành niên lao vào những cuộc chơi mà không hay biết đến tác hại của chúng. Nhiều hình thức, nhiều trò chơi đã ảnh hưởng không nhỏ tới tư duy, suy nghĩ của giới trẻ. Hệ quả đặt ra là, để có tiền chơi game nên một số người chưa thành niên đã thừa nhận do tác động của sự “nghiện” game online đã đẩy họ tới hành động vi phạm pháp luật hình sự (như trộm cắp, cướp giật tài sản).
2.3. Quản lý, giáo dục của gia đình và nhà trường
Thứ nhất, về sự quản lý, giáo dục từ phía gia đình
Theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) và các văn bản pháp luật có liên quan thì giáo dục, bảo vệ trẻ em không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà là còn có trách nhiệm của nhà trường và xã hội, cụ thể là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức xã hội, các đoàn thể có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Những nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân cho thấy, tội phạm thanh thiếu niên gia tăng có nguyên nhân gốc rễ từ hệ thống giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội.
Nhiều gia đình đã lựa chọn phương pháp quản lý, giáo dục chưa đúng, như thỏa mãn và đáp ứng đầy đủ yêu cầu vật chất của con chưa thành niên khi các yêu cầu này là chưa chính đáng, chưa phù hợp với lứa tuổi hoặc điều kiện kinh tế của gia đình. Hoặc sự đối xử hà khắc, thô bạo của bố, mẹ với con cái bằng việc thường sử dụng đòn roi có thể ngăn chặn hành động xấu của con. Những việc làm đó đã làm biến đổi nhân cách, gây cho trẻ em tâm lý thù, ghét bố, mẹ và sinh ra liều lĩnh coi thường đòn roi, tiếp tục đi vào con đường hư hỏng.
Ngoài ra, có một số gia đình có tâm lý ỷ lại cho nhà trường và xã hội trong quản lý, giáo dục con cái vì bố mẹ mải lo làm ăn, buôn bán, đi công tác xa thường xuyên hoặc do ốm đau, bệnh tật không quản lý chặt chẽ được việc học tập, sinh hoạt của con. Do đó, người chưa thành niên sống trong điều kiện này đã trở nên thực dụng, chạy theo đam mê vật chất và nếu không xoay sở được tiền thì rất nhanh chóng dẫn tới hành động trộm cắp, cướp giật, lừa đảo để kiếm tiền.
Có thể nói, sự thiếu quan tâm của gia đình là một trong những nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến việc để người chưa thành niên đi vào con đường phạm tội. Đa số người chưa thành niên có vấn đề về tâm lý, chán nản, bỏ học, lêu lổng, đua đòi ăn chơi… mà gia đình hoàn toàn không hay biết. Hoặc khi biết được tin người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự thì gia đình lại trách mắng, chửi bới hoặc bỏ rơi họ. Như vậy, sự thiếu quan tâm từ phía gia đình luôn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật hình sự của người chưa thành niên.
Thứ hai, về sự quản lý, giáo dục từ phía nhà trường
Tình hình người chưa thành niên phạm tội có sự khác nhau giữa mỗi vùng, miền, khu vực. Đặc biệt, ở các thành phố lớn, các khu đô thị đông dân, các khu công nghiệp phát triển thì tỷ lệ người dưới 18 tuổi phạm tội lớn hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành phố ở địa phương, các khu vực thuần nông. Theo thống kê của Công an Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2018 đến hết quý I năm 2021, Thành phố có 884 nghi phạm là người dưới 18 tuổi. Trong đó, giết người 11 vụ, cướp tài sản 47 vụ, hiếp dâm – cưỡng dâm 08 vụ, cố ý gây thương tích 70 vụ, trộm cắp, cướp giật 290 vụ, mua bán tàng trữ ma túy 17 vụ…; người dưới 16 tuổi phạm tội chiếm hơn 30%[7]. Về trình độ văn hóa, có 3,75% không biết chữ, tiểu học chiếm 29,33%, trung học cơ sở chiếm 46,51%, trung học phổ thông chiếm 20,41%. Trong 884 nghi phạm, có đến 553 đối tượng đã bỏ học (chiếm 71,44%).
Có thể nhận diện hai yếu tố của nhà trường ảnh hưởng đến việc phạm tội của học sinh, đó là cơ chế quản lý còn lỏng lẻo, thiếu sót, chưa có sự phối hợp hiệu quả giữa gia đình và nhà trường và chưa thực sự đầu tư vào công tác trang bị kỹ năng sống cho học sinh[8]. Hiện nay, công tác giáo dục đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục ý thức pháp luật và quản lý học sinh trong nhà trường còn nhiều hạn chế; sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa chặt chẽ, thường xuyên trong việc quản lý, giáo dục, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các em có biểu hiện vi phạm pháp luật; một số nhà trường sợ ảnh hưởng đến thành tích và danh dự nên không kịp thời báo cáo lực lượng chức năng để có biện pháp quản lý giáo dục[9]…
- Giải pháp phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội
Thứ nhất, về xây dựng pháp luật
Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì tuổi chịu trách nhiệm hình sự của Việt Nam là từ đủ 14 tuổi và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Trên thực tiễn, có rất nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng do người dưới 14 tuổi gây ra nhưng không thể xử lý bằng hình sự, nhiều vụ án do người dưới 18 tuổi phạm tội không thể đưa ra xét xử được vì các đối tượng này mới chỉ ở độ tuổi đủ 14 đến dưới 16 tuổi nhưng chỉ phạm các tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, kể cả họ phạm tội rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng, nhưng những tội đó không phải là quy định trong 28 điều luật mà Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đối, bổ sung năm 2017) đã liệt kê thì họ có phạm tội cũng chỉ xử lý hành chính. Việc quy định như vậy là chưa phù hợp với thực tế tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện trong thời gian qua và sẽ tạo ra kẽ hở cho các đối tượng phạm tội sử dụng người chưa thành niên vào việc thực hiện tội phạm. Do vậy, theo quan điểm của chúng tôi, để phòng ngừa hiệu quả việc người chưa thành niên phạm tội, thay vì hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay hạ độ tuổi người chưa thành niên thì nên sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng tăng mức hình phạt khi xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội vì với thực trạng ngày càng gia tăng người chưa thành niên phạm tội hiện nay, chúng ta cũng cần có sự thay đổi về chính sách hình sự theo hướng nghiêm khắc hơn cho phù hợp. Điều đó cũng không trái với nội dung của các Công ước quốc tế khi quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay độ tuổi chưa thành niên là do quy định của mỗi quốc gia thành viên.
– Có sự không thống nhất giữa các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) trong phần chung và phần các tội phạm cụ thể như: Tại Điều 145 có quy định về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi là: “Người nào đã đủ 18 tuổi mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm…”. Điều 146 về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi cũng quy định: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…”. Như vậy, theo cấu thành cơ bản của hai tội này thì chỉ những người từ đủ 18 tuổi trở lên khi có hành vi giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc dâm ô đối với người dưới 16 tuổi mới bị xử lý về hình sự, còn những người dưới 18 tuổi cho dù mức độ phạm tội có là bao nhiêu lần cũng không bị xử lý hình sự. Quy định như vậy, theo chúng tôi là chưa hợp lý so với thực tiễn hiện nay, mâu thuẫn với quy định tại các điều 142 và 144. Do vậy, để khắc phục sự mâu thuẫn giữa các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội, theo chúng tôi, cần sửa đổi quy định tại cấu thành cơ bản của các điều 145 và 146 theo hướng, không quy định trong cấu thành cơ bản của hai điều luật này là “người nào đã đủ 18 tuổi…” mà nên quy định như cấu thành cơ bản của các điều 141, 142, 143, 144 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Thứ hai, về áp dụng pháp luật: Việc áp dụng pháp luật đối với người chưa thành niên phạm tội phải được vận dụng, thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ để bảo đảm quyền của người chưa thành niên. Bên cạnh đó, hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên cần bảo đảm rằng, các biện pháp tước tự do của người chưa thành niên như tạm giữ, tạm giam, đưa vào trường giáo dưỡng và phạt tù có thời hạn là biện pháp cuối cùng và chỉ áp dụng với những trẻ em phạm tội nghiêm trọng mang tính bạo lực hoặc liên tục phạm các tội nghiêm trọng khác. Bên cạnh đó, cần áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng để giải quyết các tội phạm hoặc hành vi vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện, như hòa giải, giáo dục tại cộng đồng, thay thế cho thủ tục xử lý chính thức[10] để các em nhận thức được sai lầm của mình, có cơ hội sửa chữa, cải tạo để trở thành những công dân tốt, sống có ích cho xã hội.
Thứ ba, tăng cường các biện pháp quản lý xã hội, đặc biệt là quản lý trên không gian mạng: Việc trẻ em tiếp cận với những thông tin, đặc biệt là những thông tin trên không gian mạng cần phải có sự quản lý chặt chẽ của gia đình và của nhà trường. Nhà nước cũng cần phải ban hành và thực hiện các quy phạm pháp luật để quản lý chặt chẽ nhà mạng, quản lý các hoạt động kinh doanh, giáo dục có liên quan đến đạo đức, phải nhận thức và phát triển hình thành nhân cách của trẻ em. Các hoạt động kinh doanh có tính bạo lực, kích động bạo lực, lôi kéo làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển, hình thành nhân cách của trẻ em thì phải nghiêm cấm và xử lý kịp thời.
Thứ tư, nâng cao vai trò của gia đình, nhà trường: Để phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội, trước tiên, cần đẩy mạnh giáo dục gia đình. Bởi lẽ, gia đình có ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành nhân cách mỗi cá nhân. Mỗi đứa trẻ bắt đầu bắt chước hành vi, ứng xử, biểu cảm của mỗi thành viên trong gia đình. Gia đình phải là chủ thể quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống; kiểm soát được các mối quan hệ xã hội của chính con em mình để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những lệch lạc, sai trái. Khi người chưa thành niên biết sống phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội thì sẽ hạn chế được nguy cơ phạm tội. Gia đình nên giới thiệu các kiến thức pháp luật một cách có lựa chọn, có hệ thống nhằm giúp cho các em hiểu được đâu là hành vi hợp pháp, đâu là những hành vi vi phạm pháp luật, biết mình nên làm gì và không nên làm gì. Như vậy, sẽ hình thành cho các em ý thức tránh xa hành vi vi phạm pháp luật và phạm tội sau này.
LÊ BÁ ĐỨC & PHẠM QUỲNH HƯƠNG (Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh)
https://tapchitoaan.vn/nguyen-nhan-dieu-kien-pham-toi-cua-nguoi-chua-thanh-nien-va-giai-phap-phong-ngua10363.html