LTS: Pháp luật quy định: việc ghi nhãn phụ hàng hóa thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 111/2021/NĐ-CP), theo đó: Nhãn phụ sử dụng đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Bên cạnh đó, nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.
Hai nghị định trên đã trực tiếp giúp cho người tiêu dùng, cũng như cơ quan chức năng nhận biết (mặt cảm quan) về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm nhập khẩu (thông qua nhãn phụ tiếng Việt). Đồng thời vạch trần những tổ chức, cá nhân lợi dụng tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng để đưa hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu vào bày bán nhằm trục lợi.
Không chỉ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Nghị định 43/2017/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 111/2021/NĐ-CP) cũng góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ trực tiếp những đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh chân chính, cũng như tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh hàng tiêu dùng nhập khẩu. Cùng với đó giúp các doanh nghiệp tránh được một số đơn vị đầu mối phân phối cố tình trà trộn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu… vào địa điểm kinh doanh. Vì lẽ đó, vai trò của hai nghị định trên vô cùng quan trọng.
Pháp luật quy định là vậy, tuy nhiên tại nhiều cơ sở, đơn vị kinh doanh hàng tiêu dùng nhập khẩu vẫn đang bất tuân, không chấp hành việc ghi nhãn phụ tiếng Việt đối với hàng hóa nhập khẩu. Thậm chí có những đơn vị, doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm diện rộng, theo chuỗi hệ thống… Ví dụ hệ thống kinh doanh mỹ phẩm Xuân Trang với 07 cửa hàng tại tỉnh Lâm Đồng là một điển hình. Điều đó không chỉ gây hoang mang cho người tiêu dùng tại tỉnh này, mà còn gây nhiều lo lắng cho người tiêu dùng là khách du lịch.
Hoang mang mỹ phẩm nhập khẩu không nhãn phụ tiếng Việt
Thời gian qua, người tiêu dùng tại tỉnh Lâm Đồng thông tin tới Quỹ Chống hàng giả về việc chuỗi hệ thống mỹ phẩm mang thương hiệu Xuân Trang kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật. Nghi vấn thương hiệu này kinh doanh hàng hóa: không rõ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh hàng hóa gian lận thương mại; hàng hóa nhập lậu… Quỹ Chống hàng giả đã chuyển thông tin trên tới Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG).
Một địa điểm kinh doanh thuộc chuỗi phân phối mỹ phẩm xuân trang tại tỉnh Lâm Đồng.
Khảo sát thực tế một số cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm mang thương hiệu Xuân Trang trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng: 54 Lê Hồng Phong, phường 1, Thành phố Bảo Lộc; 414 Trần Phú, phường 1, Thành phố Bảo Lộc; 584 Nguyễn Văn Cừ, phường Lộc Phát, Thành phố Bảo Lộc; 13A Hùng Vương, huyện Bảo Lâm; 669 Hùng Vương, huyện Di Linh; 57 Trần Hưng Đạo, huyện Đức Trọng; 630 Hùng Vương, huyện Lâm Hà, phóng viên nhận thấy thông tin do người tiêu dùng cung cấp về Quỹ Chống hàng giả là có cơ sở.
Danh sách các địa điểm kinh doanh mang thương hiệu Xuân Trang tại tỉnh Lâm Đồng.
Cụ thể, hàng hóa tại các địa điểm kinh doanh trên rất phong phú về chủng loại: dầu gôi xả hiệu Voudioty Keratin x9, Valert, Weilaiya; bộ chăm sóc da hiệu Snail Truecica, Fam stay; kem trị nám hiệu Transino; sữa rửa mặt hiệu CeraVe, Cetaphil; nước tẩy trang hiệu Garnier; nước hoa hiệu Chanel, Gucci… thực phẩm chức năng như: vitamin E Kirkland, viên uống bổ sung colagen hiệu SpringLeaf , Youtheory; Healthy Care, Collagen 20000 PLUS,… Đa dạng về thương hiệu, mẫu mã, nguồn gốc xuất xứ: Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga,…
Lấy làm lạ, trên nhãn gốc của hàng hóa bày bán tại đây là chữ nước ngoài, thế nhưng nhiều sản phẩm không được đơn vị quản lý vận hành hệ thống Xuân Trang dán nhãn phụ tiếng Việt. Điều đó gây rất nhiều khó khăn cho khách hàng trong việc chọn mua và sử dụng sản phẩm.
Thực phẩm chức năng có nhãn gốc là tiếng nước ngoài, tuy nhiên nhiều sản phẩm tại chuỗi hệ thống kinh doanh mang thương hiệu Xuân Trang không dán nhãn phụ tiếng Việt.
Trong quá trình khảo sát, phóng viên được một nhân viên tại cửa hàng mang thương hiệu Xuân Trang chia sẻ: “Sản phẩm này (Sữa rửa mặt CeraVe, Cetaphile và một số sản phẩm khác) là hàng chính hãng xách tay không qua công ty, người tiêu dùng muốn xem được thông tin sản phẩm thì cứ tham khảo trên google”.
Với cách giải thích trên khó tránh khỏi những nghi vấn: liệu những sản phẩm trên có phải là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng hóa gian lận thương mại; hàng nhập lậu?
Nhân viên tại cửa hàng mang thương hiệu Xuân Trang chia sẻ: “Sản phẩm này (Sữa rửa mặt CeraVe, Cetaphile và một số sản phẩm khác) là hàng chính hãng xách tay không qua công ty…”.
“Bí ẩn” về văn phòng đơn vị sở hữu vận hành thương hiệu hệ thống mỹ phẩm Xuân Trang
Với mong muốn đưa thông tin khách quan, đa chiều, cũng như bảo về quyền lợi của doanh nghiệp kinh doanh chân chính, ngày 17/01/2024 phóng viên có buổi làm việc với một người tên Hoàng (xưng là quản lý nhân viên của Văn phòng đại diện mỹ phẩm Xuân Trang tại Thành phố Bảo Lộc) tại địa chỉ 162 Nguyễn Văn Cừ, phường Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc. Người này cho biết: “Tôi chỉ là quản lý nhân viên ở đây và hoàn toàn không biết gì về những nội dung các anh (PV) phản ánh. Mọi thông tin các anh liên hệ với giám đốc và địa chỉ trụ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh”.
Tìm hiểu trên website: xuantrang.vn được biết mỹ phẩm Xuân Trang là thương hiệu do ông Phạm Minh Đăng đứng tên chủ sở hữu (Công ty TNHH Mỹ phẩm Xuân Trang) và có địa chỉ đăng ký kinh doanh số 12 đường 14, phường Tân Phú, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau nhiều ngày, phóng viên mới tìm được địa chỉ ghi trong đăng ký kinh doanh của đơn vị này. Tuy nhiên, lấy làm lạ, tại địa chỉ trên không hề có biển hiệu nào ghi nhận đây là trụ sở công ty TNHH Mỹ phẩm Xuân Trang. Thực chất, địa điểm trên đang là kho giao nhận hàng hóa của đơn vị J&T Express.
Nhân viên của đơn vị J&T Express tiết lộ: “Bảng hiệu (Công ty TNHH Mỹ phẩm Xuân Trang và Công ty TNHH Lady 1 Việt Nam) là do một người lạ đến dán nhờ…”.
Ngày 31/01/2014, chúng tôi quay lại địa chỉ trên với tinh thần truyền tải những thông tin trên tới doanh nghiệp (người tiêu dùng cung cấp về việc Công ty TNHH Mỹ phẩm Xuân Trang mới gắn biển trụ sở). Điều khiến phóng viên bất ngờ khi nhân viên của đơn vị J&T Express tiết lộ: “Bảng hiệu (Công ty TNHH Mỹ phẩm Xuân Trang và Công ty TNHH Lady 1 Việt Nam) là do một người lạ đến dán nhờ. Kho hàng bên tôi không chịu trách nhiệm cũng như liên quan gì đến bảng hiệu (của hai doanh nghiệp) này”.
Quan sát của phóng viên, biển hiệu hai doanh nghiệp trên được treo tại góc khuất của địa điểm giao nhận hàng hóa. Tại đây không hề có bàn, ghế làm việc, cũng như các thông tin, hình ảnh liên quan đến sự tồn tại của hai doanh nghiệp này.
Nếu điều đó là đúng như quan sát của phóng viên, cũng như sự chia sẻ của nhân viên đơn vị giao nhận hàng hóa J&T Express, thì hai công ty trên vô cùng “bí ẩn”. Đề nghị cơ quan chức năng của thành phố Hồ Chí Minh sớm vào cuộc xác minh, kiểm tra, xử lý nếu có vi phạm.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng từ chối tiếp nhận thông tin
Trụ sở của Công ty TNHH Mỹ phẩm Xuân Trang vô cùng “bí ẩn” nên phóng viên không thể lắng nghe được ý kiến từ phía doanh nghiệp. Bởi vậy, ngày 29/01/2024, mang nội dung, thông tin do người tiêu dùng cung cấp, truyền tải tới phía Cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng, những mong đơn vị này sốt sắng đón nhận thông tin và triển khai theo quy định của ngành. Thế nhưng, những lời nói, những câu trao đổi của ông Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng Phạm Văn Cường lại thể hiện sự thờ ơ đến mức vô cảm.
Trụ sở Cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng.
Cụ thể, tại cuộc trao đổi (diễn ra trong khoảng thời gian chưa đầy 3 phút), sau khi tiếp nhận thông tin từ chúng tôi, ông Cường cáu gắt: “Đây từ chối làm việc… Từ chối ở góc độ căn cứ của sở Thông tin… Anh sang bên đó, người ta(Sở Thông tin) có văn bản sang đây tôi sẽ cung cấp thông tin… Các ông sang đấy xong về đây. Còn không có tôi gọi các cơ quan chức năng đến, tại vì người ta yêu cầu như thế… Ông cũng làm việc ăn lương, tôi cũng làm việc ăn lương”. Dứt câu, ông Cường lên xe Honda, để lại phía sau những câu hỏi còn đang dang dở của người tiêu dùng tỉnh Lâm Đồng (!)
Xét góc độ của buổi làm việc, phóng viên được Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại cử tới với đầy đủ giấy tờ theo quy định của luật báo chí. Tuy nhiên, không hiểu căn cứ vào văn bản nào của Sở Thông tin và Tuyền thông tỉnh Lâm Đồng, phía ông Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng từ chối tiếp nhận thông tin từ phóng viên của Tạp chí (?).
Bên cạnh đó, phóng viên cũng là người tiêu dùng, nếu ông Cường không muốn tiếp nhận thông tin từ nguồn của Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại, có thể hướng dẫn cho chúng tôi cách thông tin vụ việc dưới gốc độ một người dân.
Trong khi đó, cả nước đang thực hiện chỉ đạo chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng gian lận thương mại, hàng nhập lậu… của Phó Thủ tướng Chính phủ trong dịp Tết Nguyên Đán, mà lực lượng Quản lý thị trường là đơn vị chủ đạo, nòng cốt trong việc thanh kiểm tra nội dung này. Thiết nghĩ với thái độ làm việc của ông Cường có tương xứng với chức năng nhiệm vụ khi tiếp nhận thông tin từ phóng viên?
Bài viết nhằm truyền tải thông tin tới cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, rất mong UBND tỉnh Lâm Đồng, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lâm Đồng kịp thời nắm bắt thông tin, thẩm tra xác minh, kiểm tra kiểm soát và đưa ra giải pháp xử lý, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Trao đổi với ông Nguyễn Lê Hoan Chánh văn phòng Quỹ Chống hàng giả về việc tại sao các đơn vị kinh doanh hàng tiêu dùng nhập khẩu phải ghi nhãn phụ tiếng Việt, ông Hoan cho biết: “Nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc dịch từ nhãn gốc của hàng hoá bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật mà nhãn gốc của hàng hoá còn thiếu.
Quy định của Nghị định số 89/2006/NĐ – CP về nhãn hàng hóa đưa ra nội dung như sau: Tại Điều 9, quy định về ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hoá
Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc… Vì thế bắt buộc các đơn vị kinh doanh sản phẩm hàng hóa nhập khẩu phải dán nhãn phụ tiếng Việt .
Ngày 08 tháng 11, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh ký kế hoạch số 09/KH-TCQLTT (Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024), trong đó tại phần nhiệm vụ chung có nêu rất rõ: “… Phối hợp với các cơ quan báo đài, Trung tâm thông tin của Tổng Cục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường trong đợt cao điểm; kết hợp với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với việc vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực, thực hiện ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, kém chất lượng; kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm…”. |
https://kythuatchonghanggia.vn/xuat-xu-hang-hoa/he-thong-my-pham-xuan-trang-co-dang-vi-pham-cac-quy-dinh-cua-phap-luat-24115