(TVPLO) – Công tác xây dựng pháp luật là nội dung trọng tâm của ngày làm việc thứ tư (ngày 26/10) của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội ngày 25/10. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN
Trong phiên làm việc sáng, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dựthảo Luật.
Ngay sau Kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; tham khảo kinh nghiệm quốc tế; tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật.
Tại Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến tại Phiên họp, chỉnh lý dự thảo Luật trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 28/8/2023. Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua gồm 10 chương, 86 điều.
Trong sáng 26/10, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghịquyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Tại phiên làm việc chiều, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về nội dung này.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật. Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tổ chức các cuộc làm việc, giám sát, khảo sát thực tếtại một số địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội có liên quan, tổ chức một số cuộc hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật; xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương, 196 điều.
TTXVN
https://bnews.vn/hom-nay-quoc-hoi-thao-luan-du-thao-luat-tai-nguyen-nuoc-luat-nha-o-sua-doi/313015.html