(TVPLO) – “Đây là tài sản chung của vợ chồng tôi, Nguyễn Phan Tuấn không thể tự ý đổi chác được khi. chưa có ý kiến của tôi. Và tôi cũng không hiểu vì lý do gì Phan Tuấn làm được GCNQSĐ – lời cụ Nguyễn Thị Hồ (SN 1940, trú tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nghẹn ngào nói.
Nhà cửa bị phá, cụ bà mong sớm được làm rõ vụ việc
Trong đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng, cụ bà Nguyễn Thị Hồ (sinh năm 1940, trú tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phản ánh về việc liên quan đến căn nhà tại số 159 đường Trung Kiên – nơi cụ từng sinh sống nhiều năm qua.
Căn nhà khang trang của con trai xây dựng trên đất, sau khi cụ bà bị con “đuổi” ra khỏi miếng đất
Theo trình bày, cụ Hồ cho rằng con trai cả là ông Nguyễn Phan Tuấn đã có hành động đập phá căn nhà tại địa chỉ trên để chiếm dụng đất. Mặc dù cụ đã cố gắng can ngăn nhưng không đạt kết quả. Cụ cũng cho biết, trong thời gian xảy ra sự việc, căn nhà tại số 67 phố Tây Tựu – nơi cụ tạm trú cùng người con trai thứ là ông Nguyễn Phan Bắc – đã bị một số đối tượng lạ mặt đến gây rối và ném mắm tôm.
Trong đơn, cụ Hồ đề cập đến việc sau khi chồng cụ – ông P.X.D. – qua đời vào cuối năm 2023 mà không để lại di chúc, ông Tuấn đã tiến hành làm hồ sơ đứng tên và xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đối với các thửa đất tại số 157, 159 và 161 Trung Kiên. Cụ cho rằng mình là người sử dụng hợp pháp, đồng thời vẫn đang là vợ hợp pháp của ông D., do hai người chưa từng ly hôn. Tuy nhiên, cụ không hề được thông báo hay tham gia trong quá trình sang tên giấy tờ nhà đất.
Cụ cũng đặt nghi vấn về tính hợp pháp của hồ sơ và cho rằng việc cấp GCNQSDĐ có thể đã thiếu kiểm tra, dẫn đến ảnh hưởng đến quyền lợi của cụ. Cụ cho biết đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng để kiến nghị làm rõ sự việc.
Khoảng tháng 7/2024, theo lời cụ Hồ, toàn bộ đồ đạc sinh hoạt của cụ đã bị dọn ra khỏi căn nhà tại 159 Trung Kiên, đồng thời lối vào bị khóa và đổ bê tông. Cụ buộc phải đi ở nhờ nơi khác và sau đó, vào ngày 20/7/2024, ngôi nhà này tiếp tục bị phá dỡ bằng máy móc.
Sau khi sự việc xảy ra, cụ Hồ đã trình báo tới Công an phường Tây Tựu và Công an quận Bắc Từ Liêm, mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ. Tuy nhiên, theo phản hồi mà cụ nhận được, cơ quan công an cho rằng không có dấu hiệu của hành vi phạm tội.
Trong đơn, cụ bày tỏ sự không đồng tình và cho rằng cần xem xét lại một cách khách quan toàn bộ sự việc, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân được bảo vệ theo đúng quy định pháp luật.
Những dấu hiệu bất thường?
- Tài sản chưa chia thừa kế, con đã “đổi” và phá nhà
Theo đơn trình bày của cụ Hồ, chồng bà – ông P.X.D. – mất cuối năm 2023, không để lại di chúc. Toàn bộ tài sản là đất và nhà tại các địa chỉ 157, 159, 161 phố Trung Kiên là tài sản chung hai vợ chồng tích góp suốt nhiều chục năm, chưa từng phân chia.
Tuy nhiên chỉ ít lâu sau khi ông D mất. Ông Nguyễn Phan Tuấn đã tự ý đổi đất rồi đuổi tôi ra khỏi nơi tôi đang sinh sống. Tôi chưa từng biết, chưa từng ký và chưa từng đồng ý bất cứ việc chuyển nhượng nào. Nhưng Nguyễn Phan Tuấn vẫn tự ý đổi và đuổi tôi ra khỏi nhà của mình. Cụ Hồ nói trong nước mắt.
- Nhà bị phá, mẹ bị đuổi, vẫn chưa có ai chịu trách nhiệm
Ngày 20/7/2024, cụ Hồ cho biết căn nhà tại số 159 phố Trung Kiên – nơi bà ở nhiều năm nay – bất ngờ bị ông Tuấn cho người đập phá bằng máy móc. Trước đó, bà bị dọn sạch đồ đạc, khóa cửa, đổ bê tông chặn lối vào, buộc phải đi ở nhờ nhà người thân.
Cụ nhiều lần trình báo với Công an phường Tây Tựu và Công an quận Bắc Từ Liêm, tuy nhiên các cơ quan này đều trả lời rằng vụ việc là “tranh chấp dân sự”, không có dấu hiệu tội phạm, và không khởi tố.
“Tài sản đang tranh chấp, tôi chưa hề từ bỏ quyền lợi, tại sao họ phá nhà tôi mà không bị xử lý?” – cụ Hồ bức xúc đặt câu hỏi.
Trong khi vụ việc đang được Tòa án thụ lý, cụ Hồ đã có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn việc xây dựng trái phép. Tuy nhiên, ông Tuấn vẫn ngang nhiên tiếp tục hoàn thiện nhà mới trên phần đất từng bị đập phá.
“Tôi là người già, chỉ mong được sống yên ổn trong ngôi nhà của mình. Vậy mà bị chính con mình đẩy ra đường. Nếu luật pháp không bảo vệ người như tôi thì còn ai tin công lý?” – cụ Hồ nghẹn ngào.
Luật sư Phạm Lan Thảo – PGĐ Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn phân tích:
“Nếu chưa chia thừa kế, các con không có quyền tự ý sang nhượng, trao đổi hoặc phá dỡ tài sản chung. Mọi hành vi định đoạt tài sản mà không có sự đồng ý của những người thừa kế hợp pháp có thể bị xem là xâm phạm quyền sở hữu.”
Trường hợp cụ thể của bà Hồ, khi người chồng mất, bà là người còn sống duy nhất trong quan hệ hôn nhân và nghiễm nhiên có quyền yêu cầu phân chia di sản. Việc ông Tuấn tự ý đổi đất, rồi tiếp tục phá nhà, xây dựng dù đã có đơn tố cáo và đơn đề nghị biện pháp ngăn chặn, là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Vụ việc không chỉ là mâu thuẫn trong gia đình, mà còn đặt ra nghi vấn về việc giả mạo giấy tờ, làm hồ sơ sang tên, xâm phạm tài sản hợp pháp của công dân. Dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi để cụ bà gần 90 tuổi liên tục gửi đơn kêu cứu trong vô vọng.
Cụ Nguyễn Thị Hồ (SN 1940, trú tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nghẹn ngào chia sẻ sự việc
Theo Bộ luật Hình sự, hành vi hủy hoại tài sản, giả mạo hồ sơ hoặc chiếm đoạt quyền sử dụng đất có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đủ căn cứ.
Tài sản chưa được phân chia thừa kế, người còn sống chưa từ bỏ quyền lợi, thì không ai – kể cả con cái – được tự ý định đoạt.
Vụ việc cụ Nguyễn Thị Hồ xứng đáng được các cơ quan chức năng cấp cao vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm nếu có dấu hiệu vi phạm, để đảm bảo công bằng và quyền lợi hợp pháp cho công dân, đặc biệt là người cao tuổi.
TVVPL Đặng Ngọc Thạnh – Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn/Nguồn Viện IRLIE