(TVPLO) – Ở quê hương nhãn lồng Hưng Yên có rất nhiều tỷ phú trẻ, nhưng có một chàng trai xuất phát điểm chỉ là một người nông dân, tài sản không có gì ngoài hai bàn tay trắng, sau nhiều năm vật lộn với thương trường giờ trở thành tỷ phú nhờ làm nghề sản xuất chai lọ nhựa pet. Anh là Hoàng Văn Thuận – Tổng Giám đốc – Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại nhựa Hoàng Phát.
Buổi tất niên của công ty Hoàng Phát
Về thăm quê hương nhãn lồng Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên vào những ngày đầu năm 2024, điều cảm nhận của chúng tôi là vùng quê này có quá nhiều đổi thay. Đường làng, ngõ xóm rộng rãi, trải bê tông, những dãy nhà cao tầng mọc lên san sát…
Qua tìm hiểu, để có được sự chuyển mình nhanh chóng như vậy, ngoài sự chịu thương, chịu khó của những người nông dân gắn bó bao đời nay với nghề trồng nhãn lồng thì còn có rất nhiều đóng góp của những chàng trai trẻ, mạnh dạn đứng lên làm kinh tế với một khát khao cháy bỏng trở thành tỷ phú để phục vụ gia đình và xã hội. Trong số đó phải kể đến chàng trai trẻ Hoàng Văn Thuận.
BƯỚC RA TỪ…VƯỜN NHÃN
Vận chuyển hàng cho đối tác
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, nguồn thu nhập chính không có gì ngoài nhãn thu được từ mấy sào vườn. Ngay từ nhỏ, nhìn khu vườn của bố mẹ, Hoàng Văn Thuận đã tính toán theo một cách đơn giản, đó là với kiểu thu nhập như hiện có thì chẳng biết đến khi nào anh mới có tiền để mua ô tô, xây nhà cao tầng…
Sau khi học xong phổ thông, mặc dù cả dòng họ anh từ trước đến nay chẳng ai làm kinh doanh, nhưng Hoàng Văn Thuận đã thuyết phục bố mẹ bằng được cho mình bước vào con đường này. Lúc đầu nhiều người không đồng thuận, nhưng sau được gia đình động viên, ủng hộ, Hoàng Văn Thuận đã làm đủ mọi nghề để kiếm tiền. Khi bước vào thương trường, tiền không có nhiều, nhưng cũng không ít lần chàng trai này chấp nhận cảnh trắng tay, do chưa nắm bắt được quy luật của kinh doanh.
Trong nghề kinh doanh, đã có không ít lần bị ngã rồi đứng lên, Hoàng Văn Thuận rút ra một bài học xương máu, làm kinh tế thì phải khát khao cháy bỏng và chấp nhận rủi ro ngoài dự tính. Sau nhiều năm lăn lộn, từ lúc chỉ có hai bàn tay trắng, vốn liếng ít ỏi, đến nay Hoàng Văn Thuận đã có tiền để làm ăn những thương vụ lớn, mang lại nguồn lợi cao.
Mới đây, anh quyết định không kinh doanh xa nhà nữa mà tập trung về làm ăn ở chính nơi anh đã cất tiếng khóc chào đời. Đó là cho xây dựng một nhà xưởng rộng 2.000 mét vuông để sản xuất chai lọ nhựa pet cung cấp cho các đối tác có sản phẩm cần đóng chai lọ. Đây là một mô hình mới lạ, mang lại nguồn lợi không nhiều nhưng ổn định. Cái tên mà anh Hoàng Văn Thuận đặt cho công ty của mình cũng đủ nói lên sự khát khao làm giàu của mình: Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại nhựa Hoàng Phát.
Tâm sự với chúng tôi, Tổng Giám đốc Hoàng Văn Thuận bộc bạch, một cái chai lọ làm ra, sau khi trừ hết chi phí sản xuất, lãi thu về chẳng đáng là bao, nhưng nếu có khách hàng ổn định, đặt hàng với số lượng lớn thì nguồn lợi thu về tính ra cũng cao gấp nhiều lần thu nhập của người nông dân trồng nhãn.
Chai lọ nhựa pet chờ giao cho khách hàng
LÀM GIÀU TỪ…CHAI LỌ
Nhìn khu nhà xưởng của tỷ phú trẻ Hoàng Văn Thuận không rộng, nhưng khang trang, chúng tôi biết, đây mới chỉ là mô hình nhỏ lẻ ban đầu, nhưng đằng sau đó là một dự tính lớn của chàng trai này. Anh ấp ủ, nếu làm ăn phát đạt, tìm được nhiều khách hàng tiềm năng thì sẽ mở rộng nhà xưởng thành nhà máy.
Hiện nay, để đáp ứng với nhu cầu của thị trường, anh Hoàng Văn Thuận đã nhập về 20 máy làm chai lọ loại hiện đại nhất của nước ngoài. Do phải vận hành máy móc theo quy trình, nên 30 công nhân đang làm việc tại xưởng của công ty Hoàng Phát trước khi đứng máy đều được các chuyên gia đào tạo bài bản về chuyên môn. Do đầu tư hạ tầng đúng mức, nên sản lượng của xưởng hiện nay một ngày có thể làm ra 500 ngàn sản phẩm chai lọ các loại. Chai lọ của Hoàng Phát đều làm ra từ nhựa pet cao cấp.
ở thời điểm này rất nhiều người có tay nghề ở trong vùng muốn xin vào làm việc ở xưởng chai lọ của công ty Hoàng Phát. Lý do làm ở đây mức lương cao và ổn định. Với mức thu nhập ổn định 11 triệu đồng/tháng, chi tiêu theo kiểu ở vùng nông thôn thì đây cũng là niềm mơ ước của nhiều người.
Qua phản ánh, nhiều khách hàng mà chúng tôi từng tiếp xúc, chai lọ của công ty Hoàng Phát do Hoàng Văn Thuận làm Tổng Giám đốc, chất lượng tốt, giá thành rẻ, nhưng có lẽ đặc biệt hơn là sự chiều lòng khách hàng của ông chủ trẻ. Hoàng Văn Thuận có thể làm ra được tất cả những sản phẩm chai lọ theo mẫu mã mà khách hàng khó tính nhất đưa ra.
Anh Phạm Quang Thắng – Khách hàng ở Hà Nội cho biết, ở Thủ Đô có rất nhiều nơi sản xuất chai lọ, nhưng anh quyết định chọn Hoàng Phát, lý do đơn giản được anh đưa ra là sản phẩm của Hoàng Phát giá thành rẻ, mẫu mã đẹp và đặc biệt là tuân thủ tuyệt đối các yêu cầu của anh đưa ra về hình thức.
Còn anh Nguyễn Văn Phúc, một khách hàng của Hoàng Phát ở TP.HCM thì lại thích thú với việc tuân thủ hợp đồng của ông chủ Hoàng Phát. Đã không nhận làm thì thôi, còn làm thì anh Hoàng Văn Thuận giao hàng rất đúng hẹn và không bao giờ để khách hàng phải kêu ca bất cứ điều gì về sản phẩm do mình làm ra.
Trong phòng làm việc sang trọng, vị Tổng Giám đốc công ty Hoàng Phát mở lòng mình: “Khách hàng là thượng đế, mà mình là thần dân thì phải phục vụ hết mình, Thượng đế mỉm cười thì mình mới thấy an tâm”.
Ở độ tuổi 30, Tổng Giám đốc trẻ Hoàng Văn Thuận, hiện có một gia đình hạnh phúc và một cơ ngơi bề thế. Sau nhiều năm vật lộn với thương trường, nhưng trên gương mặt sáng sủa của chàng trai này vẫn còn vẹn nguyên một nụ cười rạng rỡ.
Tin rằng với khát khao làm giàu chính đáng của mình, anh Hoàng Văn Thuận sẽ còn thành công và thành công hơn nữa với cái nghề sản xuất, kinh doanh chai lọ nhựa của mình. Chia tay Tổng Giám đốc Hoàng Văn Thuận để kịp chuyến bay muộn vào Sài Gòn, chúng tôi tâm đắc nhất câu nói của chàng tỷ phú trẻ quê hương nhãn lồng: “Tuổi trẻ nếu không mơ ước làm giàu cho gia đình thì đừng nghĩ đến chuyện làm giàu cho đất nước”.
Công nhân công ty Hoàng Phát vận hành máy làm chai lọ
Năm mới Rồng Bay 2024, cầu chúc cho Công ty Hoàng Phát đã Phát còn Phát hơn, đúng như tên gọi của công ty; đã Thuận còn Thuận hơn trong công việc kinh doanh, đúng như tên gọi của Tổng Giám đốc.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) trong suốt thời gian qua cho thấy, văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân là yếu tố then chốt tạo nên triết lý kinh doanh, niềm tin của khách hàng và là giá trị cốt lõi để doanh nghiệp xây dựng, giữ gìn, phát triển thương hiệu. Không một thương hiệu mạnh nào không được xây dựng trên một nền tảng văn hóa doanh nghiệp ngày càng vững chắc và hấp dẫn. Nói rộng ra, văn hoá chính là nền tảng phát triển của doanh nghiệp, khi nền tảng văn hoá vững thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững. Văn hóa tạo nên hình ảnh và thể hiện qua hình ảnh, diện mạo, thương hiệu đặc sắc của doanh nghiệp.
Điển hình, tấm gương của doanh nhân Hoàng Văn Thuận – CEO Cty Hoàng Phát là sự mong muốn chung của cộng đồng doanh nghiệp nhằm chiến thắng sự nghèo nàn, lạc hậu; là khát khao có được sự giàu có, thịnh vượng cho bản thân, doanh nghiệp, cho cộng đồng và đất nước. Với một thông điệp quan trọng, doanh nhân Hoàng Văn Thuận nói riêng và cộng đồng doanh nhân nói chung chính là lực lượng nòng cốt hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Bắt nhịp với quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, từ tâm lý thụ động, trông chờ vào Nhà nước, các tầng lớp nhân dân đã chuyển sang ý thức chủ động, tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội. Từ tâm lý không thích người giàu, phủ nhận sự phân hóa giàu – nghèo, chúng ta đã khuyến khích mọi người dân làm giàu hợp pháp, coi việc một bộ phận dân cư giàu lên trước là sự phát triển cần thiết.
Nhà báo Phạm Đức Trọng – Cố vấn Viện IRLIE/CSPLO