(TVPLO) – 3 hình phạt gồm cảnh cáo, phạt tiền và cải tạo không giam giữ áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội cần bị bãi bỏ do thực tế vẫn còn tồn tại nhiều bất cập nhưng chưa được khắc phục.
LTS: Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024). Việc cho ra đời luật này được TAND Tối cao kỳ vọng sẽ đổi mới và cải cách mạnh mẽ chính sách pháp luật đối với người chưa thành niên về tư pháp hình sự theo đúng các cam kết, thông lệ quốc tế. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu các ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo luật này.
Việc xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên đáp ứng nhiều kỳ vọng về sự đổi thay trong chính sách pháp luật đối với người chưa thành niên phạm tội như: Thể chế hóa những chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Hiến pháp trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em trước và trong hoạt động tố tụng hình sự…
Một phiên tòa xét xử người chưa thành niên phạm tội. Ảnh: SONG MAI
Cạnh đó, mục tiêu cải cách căn bản hệ thống hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, đặc điểm của người chưa thành niên và bảo đảm nguyên tắc chỉ áp dụng hình phạt nếu xét thấy việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng (biện pháp giám sát, giáo dục khi người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự) không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.
Các hình phạt cần bãi bỏ
Theo Điều 101 dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đây đối với mỗi tội phạm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn.
Hình phạt cảnh cáo (Điều 98 BLHS) được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng. Tuy nhiên, luật hiện hành bắt buộc phải quyết định tại phiên tòa đã dẫn đến kéo dài thời gian tố tụng, phức tạp về trình tự áp dụng pháp luật nên đã không ghi nhận được số liệu áp dụng trên thực tiễn trong thời gian qua.
Giữ nguyên hình phạt như BLHS
Ngày 17-4, tại phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Dự thảo trình xin ý kiến Thường vụ Quốc hội giữ nguyên hệ thống hình phạt với người chưa thành niên phạm tội như BLHS hiện hành, gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn. Trong đó, về hình phạt tiền, Điều 103 dự thảo quy định “phạt tiền được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng”.
So với BLHS hiện hành, dự thảo Luật đã mở rộng đối tượng người chưa thành niên phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thu nhập hoặc có tài sản riêng được áp dụng hình phạt tiền.
Hình phạt tiền (Điều 99 BLHS) chỉ áp dụng đối với người chưa thành niên có thu nhập hoặc có tài sản riêng. Nếu người chưa thành niên không có thu nhập hoặc không có tài sản riêng thì có thể phải chịu hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù.
Tuy nhiên, việc thu thập chứng cứ liên quan đến thu nhập và tài sản riêng của người chưa thành niên làm phức tạp và kéo dài thời gian tố tụng, đặc biệt là chưa bảo đảm tính công bằng trong áp dụng pháp luật. Vì không đảm bảo điều kiện để áp dụng nên tòa ít áp dụng, do đó cũng không ghi nhận được số liệu áp dụng trong thực tiễn trong thời gian qua.
Hình phạt cải tạo không giam giữ (Điều 100 BLHS) được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng. Thực tiễn thời gian qua trong tổng số 8.546 bị cáo là người dưới 18 tuổi thì số bị cáo bị phạt cải tạo không giam giữ là 665 bị cáo (chiếm 11,1% tổng số các bị cáo bị áp dụng các hình phạt chính).
Trong khi đó, trường hợp này cũng thuộc đối tượng ưu tiên việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
Mặt khác, về bản chất, hình phạt cải tạo không giam giữ gần như tương đồng với biện pháp xử lý chuyển hướng là giáo dục tại xã, phường thị trấn nhưng vẫn phải áp dụng các quy trình tố tụng phức tạp và kéo dài. Điều này chưa bảo đảm nguyên tắc giải quyết nhanh chóng, kịp thời đối với người chưa thành niên, không chỉ gây lãng phí nguồn lực của các cơ quan tiến hành tố tụng, mà đặc biệt còn ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý của người bị áp dụng hình phạt này.
Do đó, việc quy định cải tạo không giam giữ là một loại hình phạt đối với người chưa thành niên là không hợp lý và không cần thiết.
Chỉ giữ lại hình phạt tù
Hình phạt tù (Điều 100 BLHS) quy định mức áp dụng đối với hai loại độ tuổi của người chưa thành niên khi phạm tội (người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi), trong đó mức phạt cao nhất là 18 năm tù.
Dự thảo luật cũng quy định hình phạt tù có mức phạt cao nhất là 18 năm tù, phù hợp với hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định trong BLHS.
Thực tiễn thời gian qua trong tổng số 8.546 bị cáo là người dưới 18 tuổi thì số lượng bị cáo được hưởng án treo là 1.777 bị cáo, số lượng bị cáo bị phạt tù từ 3 năm trở xuống là 3.661 bị cáo (chiếm 61,3% tổng số các bị cáo bị áp dụng các hình phạt chính), số lượng các bị cáo bị phạt tù từ trên 3 năm đến 7 năm là 1.149 bị cáo (chiếm 19,2% tổng số các bị cáo bị áp dụng các hình phạt chính), một số ít bị cáo bị phạt tù từ trên 7 năm đến dưới 15 năm (385 bị cáo, chiếm 6% tổng số các bị cáo bị áp dụng các hình phạt chính) và cá biệt có 63 bị cáo bị áp dụng hình phạt tù từ 15 đến dưới 18 năm (chiếm 1%).
BLHS quy định mức hình phạt cao nhất đối với người chưa thành niên không quá 3/4 mức phạt tù hoặc 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định mà chưa quy định cho phép giới hạn mức thấp nhất của khung hình phạt. Điều này, dẫn đến thực tế nhiều trường hợp người chưa thành niên không đủ điều kiện quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng theo quy định tại Điều 54 BLHS, vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự ở mức hình phạt thấp nhất của khung hình phạt đã truy tố là chưa phù hợp, chưa đúng với nguyên tắc xử lý bảo đảm lợi ích tốt nhất đối với người chưa thành niên.
***
Như vậy, qua phân tích lý luận và thực tiễn áp dụng, thi hành các hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội có thể thấy kết quả trong thời gian qua là chưa đáp ứng được mục tiêu hướng đến việc tạo cơ hội một cách thực chất để cho người chưa thành niên sửa chữa, cải thiện hành vi.
3 hình phạt gồm cảnh cáo, phạt tiền và cải tạo không giam giữ trên thực tế áp dụng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập nhưng chưa được khắc phục. Do vậy tôi kiến nghị bãi bỏ 3 hình phạt này trong dự thảo.
Cần thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tù
Theo kết quả thống kê của TAND Tối cao từ ngày 1-1-2018 đến hết ngày 30-4-2021, các TAND đã thụ lý 5.639 vụ án hình sự với 8.546 bị cáo là người dưới 18 tuổi.
Số lượng thống kê thể hiện phần lớn hình phạt được áp dụng là hình phạt tù (chiếm 87,5 %) là quá cao nên dự thảo cần xây dựng theo hướng thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tù cũng là vấn đề cần thiết phải đặt ra và phù hợp với tinh thần giảm hình phạt tù đối với một số loại tội phạm nói chung và đặc biệt là người chưa thành niên phạm tội của Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2-6-2002 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
TS NGUYỄN THÀNH VINH
TS NGUYỄN THÀNH VINH, Chánh án TAND TP Thủ Đức, TP.HCM
https://plo.vn/de-xuat-bo-hinh-phat-canh-cao-phat-tien-va-cai-tao-khong-giam-giu-post789069.html