(TVPLO) – Khi người điều khiển phương tiện có dấu hiệu vi phạm Luật Giao thông, cảnh sát giao thông có quyền rút chìa khóa xe không hoặc cần chứng minh người vi phạm trước khi kiểm tra giấy tờ người tham gia giao thông…Hàng xóm không ký giáp ranh và đất đang không có tranh chấp thì người sử dụng đất vẫn được xử lý hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định. Trên đây là một số vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nghiệp thành viên và người dân rất quan tâm…
Lực lượng CSGT không có quyền rút chìa khóa xe của người vi phạm Luật Giao thông. Ảnh VTC.VN
Dưới góc độ pháp lý, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) và Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) sẽ giải đáp các vấn đề nêu trên…
Cảnh sát giao thông có được quyền “rút chìa khóa xe” của người vi phạm không?
Theo Thông tư 65/2020 TT-BCA quy định quyền hạn của CSGT trong tuần tra, kiểm soát như: Được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là phương tiện giao thông) theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Thông tư 65/2020 TT-BCA và quy định khác của pháp luật có liên quan…; Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật; Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, CSGT đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.
Trong đó, được trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an; Được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông khi có tình huống ách tắc giao thông, tai nạn giao thông hoặc khi có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng công an nhân dân theo quy định của pháp luật. Do đó, trong quyền hạn của CSGT, không đề cập việc rút chìa khóa xe của người vi phạm.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) đã quy định về các hình thức xử phạt, mức xử phạt mà người vi phạm quy định giao thông đường bộ. Theo đó, CSGT có thể áp dụng (tạm giữ phương tiện, phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, tịch thu các thiết bị lắp đặt sai quy định) và các biện pháp ngăn chặn.
Các hình thức xử lý nêu trên cũng không đề cập đến việc rút chìa khóa xe. Căn cứ Điều 119 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp sau đây theo thủ tục hành chính: Tạm giữ người; Áp giải người vi phạm; Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Khám người; Khám phương tiện vận tải, đồ vật; Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất…Vì lẻ đó, “rút chìa khóa xe” của người vi phạm không thuộc quyền hạn của CSGT và cũng không phải là biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật. Do đó, CSGT không có quyền rút chìa khóa xe của người vi phạm giao thông.
Cảnh Sát giao thông có cần chứng minh người vi phạm rồi mới được kiểm tra giấy tờ?
Căn cứ tại điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính. Thế nhưng, theo khoản 1 Điều 8 Thông tư 32/2023 của Bộ Công an quy định một trong những quyền hạn của CSGT: Được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Thông tư 32/2023 và quy định của pháp luật có liên quan; Kiểm soát người và phương tiện giao thông, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật; kiểm soát việc thực hiện các quy định về an toàn vận tải đường bộ.
Căn cứ khoản 1 Điều 16 Thông tư 32/2023 quy định các trường hợp CSGT được quyền dừng phương tiện để kiểm soát trong những trường hợp: Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác; Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành; Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp; Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Ở trường hợp này, khi người điều khiển phương tiện không vi phạm quy định về an toàn giao thông thì CSGT vẫn có quyền dừng xe để kiểm tra giấy tờ. Do đó, CSGT không cần phải chứng minh lỗi vi phạm của người tham gia giao thông trước khi yêu cầu xuất trình giấy tờ để kiểm tra. Theo quy định pháp luật, khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần có văn bản ký giáp ranh giữa các hộ gia đình liền kề để làm căn cứ về việc đất sử dụng ổn định đúng ranh giới, không tranh chấp. Trường hợp các hộ liền kề gây khó dễ không ký giáp ranh thì người sử dụng đất phải làm thế nào?
Giải quyết ra sao khi hàng xóm không ký giáp ranh đất
Ảnh minh hoạ
Theo Khoản 11 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định những trường hợp cơ quan nhà nước từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, nêu rõ: Khi nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng Thừa phát lại yêu cầu tạm dừng hoặc dừng việc cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là đối tượng phải thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự hoặc văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án; khi nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai về việc đã tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất.
Do vậy, cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận không được từ chối nhận hồ sơ với lý do hàng xóm không chịu ký giáp ranh nếu không có tranh chấp đất đai. Như vậy, hàng xóm không ký giáp ranh và đất đang không có tranh chấp thì người sử dụng đất vẫn được xử lý hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận theo quy định.
Hiện nay, nhiều người dân không được cấp hoặc chưa được cấp Giấy chứng nhận dù có đủ điều kiện theo quy định nhưng bị từ chối vì hàng xóm không chịu ký giáp ranh.
Theo Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, khi cấp Giấy chứng nhận thì UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất sẽ niêm yết công khai hiện trạng thửa đất, tình trạng tranh chấp,…tại trụ sở Ủy ban và khu dân cư nơi có đất trong thời hạn 15 ngày và xem xét giải quyết các ý kiến phản ánh (nếu có).
Đồng thời, căn cứ Điều 11 và khoản 3 Điều 12 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT về xác định và đo vẽ ranh giới thửa đất cho thấy các thửa đất đã được địa chính xác định, lập bản mô tả ranh giới, mốc giới và lưu tại hồ sơ địa chính để quản lý ngay cả khi chưa được cấp Giấy chứng nhận.
Trong khi đó, khi xác định ranh giới thửa đất để đo vẽ chi tiết phải có mặt của những người sử dụng đất liền kề, trường hợp người sử dụng đất liền kề vắng mặt thì phải niêm yết công khai trong vòng 15 ngày. Trong trường hợp hàng xóm không chịu ký giáp ranh và cũng không có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai thì vẫn có căn cứ để cấp Giấy chứng nhận nếu đủ điều kiện. Nói cách khác, không có quy định nào từ chối cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hợp pháp chỉ vì hàng xóm không chịu ký giáp ranh. Vì vậy, người nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận có quyền đề nghị cơ quan tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trả lời bằng văn bản về việc từ chối hoặc chưa cấp Giấy chứng nhận để có căn cứ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định pháp luật.
Cùng với đó, nếu hàng xóm không chịu ký giáp ranh với lý do tranh chấp đất đai thì người đề nghị cấp Giấy chứng nhận tự hòa giải với người đang có tranh chấp hoặc gửi đơn đề nghị UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất hòa giải. Khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận nếu có đơn tranh chấp thì sẽ tạm dừng thực hiện thủ tục. Nếu hòa giải thành công thì kết thúc tranh chấp; nếu hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn không thành thì người đề nghị cấp sổ có quyền gửi đơn khởi kiện tại Tòa án hoặc gửi đơn đề nghị UBND cấp huyện hoặc cấp tỉnh giải quyết theo quy định. Sau khi kết thúc tranh chấp đất đai sẽ thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận theo đúng quy định.
Song song đó, nếu người sử dụng đất liền kề chỉ nói miệng là đang tranh chấp đất với người đề nghị cấp Giấy chứng nhận không có đơn đề nghị UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tổ chức hòa giải đối với thửa đất đó thì được xác định là tranh chấp thực tế, không phải là căn cứ đề dừng việc thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận theo quy định.
Tin rằng, cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nghiệp thành viên và người dân nếu có vấn đề thắc mắc, cần giải đáp vui lòng gửi thư về Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) hoặc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC)… Chúng tôi sẽ sớm hồi âm và hỗ trợ một cách thấu đáo vì đây là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược truyền thông, nhằm lan toả để các doanh nghiệp và người dân sống học tập, làm ăn luôn thượng tôn pháp luật…
Ông Phạm Trắc Long – PGĐ Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC)