(TVPLO) – Trải qua gần 40 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam vẫn là ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Mặc dù vậy, dưới tác động mạnh mẽ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền nông nghiệp cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững. Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vừa là yêu cầu, xu hướng tất yếu, đồng thời là một giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả.
Những đóng góp của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho thấy việc phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng.
Trước xu thế phát triển của các mô hình kinh tế thân thiện với môi trường trên thế giới trong vài ba thập niên trở lại đây, Đảng và Nhà nước ta đã có lộ trình, định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, thể hiện qua các chủ trương, chính sách được ban hành trong nhiều năm qua. Tại Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Theo đó, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế mà các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ đều hướng đến giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Ngày 25/6/1998 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36/CT-TW về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 41-NQ/TW về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (ngày 15/11/20024) đã chỉ rõ khuyến khích tái chế và sử dụng các sản phẩm tái chế. Tiếp tục nhấn mạnh và để cụ thể hóa, ngày 3/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 24/NQ-TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường…Tiếp đến là việc ban hành những chính sách thể hiện sự chuyển dịch theo hướng KTTH của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp như: Chiến lược bảo vệ môi trường đến 2020, tầm nhìn 2030; Chiến lược Tăng trưởng xanh; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn năm 2018 và cụ thể hơn là ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”.
Ngày 19/06/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 540/QĐ-TTg phê duyệt đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030. Theo đó, đề án hướng đến mục tiêu kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp dựa trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nông nghiệp, gia tăng giá trị nông sản, tăng tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp được tái sử dụng, tái chế, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, phát thải thấp…
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, sự bùng nổ của công nghệ thông tin; quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi chất lượng nông sản càng cao; cùng với diện tích đất bị thu hẹp do đô thị hóa, do biến đổi khí hậu trong khi dân số tăng nên nhu cầu lương thực không ngừng tăng lên… là những thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Trong đó, Việt Nam đã nằm trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, với kim ngạch xuất khẩu của nhóm ngành nông sản năm 2023 đạt 26,4 tỷ USD, tăng trên 17% so với năm 2022.
Những năm qua, cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản đã có những bước phát triển đáng kể, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng, ổn định cho ngành Nông nghiệp.
Tại tỉnh Sóc Trăng, nhờ thực hiện tốt công tác phát triển cơ giới hóa nên số lượng máy phục vụ nông nghiệp ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn. Tính đến nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 650 máy gặt đập liên hợp và diện tích thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp đạt hơn 98% diện tích lúa của toàn tỉnh. Ông Trần Tấn Phương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết: Để triển khai phát triển đồng bộ, hiệu quả cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đơn vị sẽ tăng cường công tác kết nối doanh nghiệp với hợp tác xã trong lĩnh vực cơ giới hóa. Đưa những tiến bộ về cơ giới trong sản xuất ứng dụng vào thực tiễn, đặc biệt là các loại máy móc chi phí thấp, dễ vận hành như: máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy phun hạt giống, máy phun phân. Tăng cường mời gọi các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng liên quan đưa các trang thiết bị máy móc hiện đại vào các cánh đồng sản xuất nông nghiệp; doanh nghiệp có máy móc phục vụ đồng ruộng triển khai xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng ruộng để nhân rộng ở địa phương.
Tại tỉnh Bình Thuận có điều kiện phát triển ngành nông nghiệp toàn diện ở 3 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của một số sản phẩm nông nghiệp còn thấp. Một số mô hình khuyến nông ứng dụng CNC đem lại hiệu quả trên địa bàn tỉnh như mô hình cánh đồng lớn thâm canh, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tại HTX Đức Phú, Lạc Tánh, Bắc Ruộng huyện Tánh Linh, với quy mô 172 ha. Lợi nhuận cao hơn lúa đại trà trên 25%. Cùng với đó, mô hình trồng, thâm canh thanh long theo giàn kết hợp tưới nước tiết kiệm Hàm Thuận Nam được chứng nhận GlobalGAP. Thanh long năm thứ ba sinh trưởng tốt, cành mập, màu xanh tươi, ra nhiều trái. Mô hình trên dễ thực hiện cơ giới hóa, thuận tiện phun thuốc trừ sâu bệnh xuất hiện ít, làm cỏ, bón phân.
Việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp giúp tối ưu hóa quá trình sản xuất, giảm thiểu lao động thủ công, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Cơ giới hóa đồng bộ còn thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, giảm thiểu chất thải, tạo ra giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp, góp phần giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, là khi áp dụng đồng bộ cơ giới hóa sẽ giúp giảm tổn thất sau thu hoạch và tăng giá trị kinh tế cho nông dân canh tác lúa.
Được biết, các tiến bộ về khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Mức độ tổn thất của nông sản đã giảm đáng kể (lúa gạo còn dưới 10%,…). Mức độ cơ giới hóa ở khâu làm đất đối với các loại cây hàng năm (lúa, mía, ngô, rau màu) đạt khoảng 94%; khâu thu hoạch lúa khoảng 50% (các tỉnh đồng bằng đạt 90%).
Việc phát triển nông nghiệp tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích cho các địa phương trên cả nước, bao gồm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước và đất. Nâng cao hiệu quả kinh tế bằng cách giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị sản phẩm…Từ đó, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng khó tính là sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Nông nghiệp tuần hoàn cũng là cách thức sản xuất nông nghiệp để giúp cây trồng, vật nuôi thích nghi tốt hơn với điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Trong thời gian qua cũng đã xuất hiện các mô hình nông nghiệp tuần hoàn đã và đang được triển khai ổn định và cho thấy, phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến mục tiêu lớn nhất là góp phần giải quyết thực trạng ngày càng khan hiếm tài nguyên, qua đó tăng cường bảo vệ môi trường kết hợp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chia sẻ với chúng tôi, TS. Hồ Minh Sơn – CTHĐ QL Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) cho rằng cần tăng cường, đa dạng hóa phương thức tiếp cận thị trường, hỗ trợ quảng bá các sản phẩm nông đặc sản tại hội chợ, trên các kênh mạng xã hội như Tiktok, FaceBook..Các hoạt động livestream quảng bá, bán sản phẩm, dịch vụ, trực tiếp thông qua nền tảng các mạng xã hội. Doanh nghiệp, chủ thể sẽ được hướng dẫn mở kênh bán sản phẩm, chuyển giao cách thức vận hành giúp doanh nghiệp, các chủ trang trại, nông hộ tiếp cận và hòa nhập với thời kì công nghệ 4.0.
Nông nghiệp tuần hoàn là khái niệm còn khá mới ở Việt Nam và phát triển để trở thành nền sản xuất nông nghiệp phổ biến, mới chỉ phát triển ở một số tỉnh, một số trang trại, hộ và một số doanh nghiệp. Việt Nam cũng đang dần đưa kinh tế tuần hoàn vào khung thể chế, chính sách. Cụm từ “Kinh tế tuần hoàn” lần đầu tiên được đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cho thấy tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn trong phát triển kinh tế – xã hội. Hiện, nông nghiệp tuần hoàn đang là chủ đề được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đặc biệt quan tâm.
TS. Hồ Minh Sơn cùng đoàn công tác của hai Viện và doanh nghiệp thường xuyên tham quan các trang trại nông nghiệp, du lịch xanh
Ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, cơ giới hóa không chỉ giảm công lao động mà còn nâng cao chất lượng nông sản và tăng hiệu quả sản xuất. Cơ giới hóa được xem là giải pháp hữu hiệu nhất ngay từ khâu làm đất, gieo sạ để giảm giống, sản xuất thành phẩm. Do vậy, để đồng bộ cơ giới hóa đồng ruộng cần có sự liên kết giữa hợp tác xã làm dịch vụ nông nghiệp, doanh nghiệp có máy móc trang thiết bị và hộ cá nhân có máy móc làm dịch vụ lại với nhau thành mô hình thống nhất. Bên cnahj đó, không có hợp tác xã, doanh nghiệp hay hộ cung cấp dịch vụ nào có thể đáp ứng tất cả các dịch vụ cơ giới hóa đồng ruộng. Mặt khác, việc liên kết thực hiện dịch vụ đồng ruộng giữa các bên liên quan sẽ nâng cao hiệu quả phục vụ nhu cầu cơ giới hóa và mở rộng diện tích cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp tại các địa phương trên toàn quốc. Để đưa công nghệ và máy móc hiện đại vào đồng ruộng thì các doanh nghiệp có các công nghệ và máy móc nên thực hiện việc trình diễn thực tế trên đồng ruộng để giới thiệu sản phẩm cho người dân có thông tin đa chiều khi lựa chọn công nghệ, máy móc trước khi đầu tư để đưa vào đồng ruộng.
Tin rằng, ngành Nông nghiệp các địa phương cũng sẽ triển khai những giải pháp cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm đến nông dân. Chuyển giao và hướng dẫn người dân sử dụng các loại máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến, công nghệ số, công nghệ thông minh trong các khâu chế biến và sản xuất nông nghiệp…
Hồ Vĩnh Chung – PCVP Viện IRLIE, CVP Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm