(TVPLO) – Thực tế cho thấy, những đứa trẻ sau khi trải qua biến cố gia đình thường dễ gặp phải các vấn đề như rối loạn tâm lý, trầm cảm, hoặc thậm chí trở nên nổi loạn, sa đà vào các tệ nạn xã hội. Hành trình chữa lành tâm lý cho con không chỉ cần sau khi gia đình đã đổ vỡ, mà cần phải bắt đầu trước đó.
Hành trình chữa lành tâm lý cho con cần phải bắt đầu ngay từ khi cha mẹ có ý định ly hôn. (Ảnh minh họa: KH)
Cha mẹ ly hôn, con trẻ gánh chịu hậu quả
Năm 2022, anh Nguyễn V.H. và chị Hồ Th.Th.H. (ngụ tại TP Hồ Chí Minh) ra tòa ly hôn, cháu M. K. là con trai 12 tuổi giao cho chị H. nuôi dưỡng. Làm mẹ đơn thân, vừa phải nuôi con, chăm sóc con, trong khi chồng cũ sớm có gia đình mới, không mấy quan tâm, nên chị H. không có nhiều thời gian để trò chuyện, theo sát diễn biến tâm lý của con trai. Cho đến khi chị H. được nhà trường mời đến trao đổi mới biết, thời gian qua con học hành sa sút, có nhiều biểu hiện như bạo lực với bạn bè, ăn trộm, cảm xúc nóng nảy, thất thường.
Sau một thời gian khuyên nhủ, trò chuyện nhưng thấy con ngày càng kì lạ, chị H. đưa con đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán con bị trầm cảm nặng, đã có những dấu hiệu rối loạn tâm lý, phải điều trị bằng thuốc. Nguyên nhân là trước kia cậu bé được cha chiều chuộng, mẹ quan tâm. Nhưng sau khi ly hôn, cậu bé có cảm giác cha và mẹ bỗng dưng bỏ rơi mình. Sang chấn tâm lý do thay đổi hoàn cảnh sống, cộng với những lời xì xào trêu chọc của bạn bè khiến cháu K. càng áp lực, co mình lại, dẫn đến mất ngủ thường xuyên, hoang tưởng…
Đó chỉ là một trong khá nhiều trường hợp trẻ mắc phải các vấn đề tâm lý khi đối mặt với việc cha mẹ ly hôn. Một bài viết tiếng Anh nghiên cứu về ảnh hưởng tâm lý của trẻ em trong gia đình ly hôn đăng trên báo điện tử Morin đã đưa ra phân tích, những năm đầu cha mẹ ly hôn là thời gian khó khăn nhất đối với trẻ, chỉ một số trẻ thích nghi, còn phần lớn phải vật lộn và trải qua đau khổ, tức giận, lo lắng, hoài nghi… Trẻ nhỏ bị sốc, lo lắng rằng ly hôn là lỗi của trẻ, sợ bản thân đã làm sai điều gì đó. Thanh, thiếu niên tức giận, đổ lỗi cho phụ huynh hoặc phẫn nộ với cha mẹ vì những biến động gia đình. Ngoài ra, còn những tác động tiêu cực thường gặp như trẻ gặp khó khăn trong thiết lập mối quan hệ với những người xung quanh, khó khăn vềtài chính, học tập sa sút, rối loạn hành vi, dễ sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật…
Những biểu hiện ấy chính là tiếng kêu cứu từ tâm hồn non nớt đang cố gắng hiểu và thích nghi với sự chia lìa trong gia đình mình.
Hành trình chữa lành từ trước khi tan vỡ
Thông thường, trước khi ly hôn, các đôi vợ chồng thường dành nhiều thời gian để giải quyết mâu thuẫn liên quan đến vấn đề tình cảm vợ chồng, vấn đề tài chính, nuôi con… Nhưng nhiều trường hợp lại “bỏ quên” khâu chuẩn bị kĩ lưỡng về tâm lý, tinh thần cho con trước khi gia đình tan vỡ.
Tiếp sau đó chính là hành trình đồng hành cùng con khi cha mẹ đã chia tay. Đây không phải là hành trình chỉkéo dài vài tháng hay vài năm, mà là hành trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn và tình yêu thương vô điều kiện. Một cuộc ly hôn hòa bình và cách ứng xử văn minh giữa cha và mẹ là điều mà đứa trẻ rất cần để thấy rằng chúng vẫn có sự gắn kết, ủng hộ từ cả hai người.
Trong bài phân tích của mình, chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi, Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng TP HồChí Minh cho biết, ở giai đoạn trước khi ly hôn, phụ huynh cần tạm bỏ qua những cảm xúc tức giận, tội lỗi hay mặc cảm và cùng thảo luận cách giải thích phù hợp với con. Các buổi trò chuyện cần phù hợp với độtuổi, nhận thức và tính cách của trẻ cũng như bảo đảm nguyên tắc: chuyện xảy ra giữa cha mẹ không phải là lỗi của con.
Ở giai đoạn hậu ly hôn, theo chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi, trong quá trình ứng phó với những thay đổi lớn trong cuộc sống, cha mẹ có thể hỗ trợ bằng cách lắng nghe nỗi lòng của trẻ và giúp trẻ tự biểu lộ cảm xúc chính mình. Con cần biết rằng cảm xúc của con rất quan trọng đối với cha mẹ. Việc phản hồi cảm xúc của trẻ góp phần giúp trẻ nhận thức cảm xúc hiện tại của mình là phù hợp. Điều quan trọng là khuyến khích trẻthể hiện trước khi cha mẹ bắt đầu đưa ra những cách giúp trẻ cảm thấy ổn hơn.
Có thể nói, việc chữa lành tâm lý cho con trẻ khi cha mẹ ly hôn là một hành trình đầy thách thức và khó khăn, nhưng đó cũng là cơ hội để cha mẹ xây dựng một mối quan hệ vững chắc hơn với con. Bằng sự thấu hiểu và kiên trì, cha mẹ có thể giúp con vượt qua những sang chấn tâm lý để trở thành người tự tin, có sức mạnh nội tại và khả năng ứng phó với những biến động của cuộc sống.
Ngọc Mai
https://baophapluat.vn/chua-lanh-tam-ly-cho-con-tre-khi-cha-me-ly-hon-post531207.html