(TVPLO) – Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp, việc phát triển du lịch nông nghiệp là một xu thế phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững. Từ đó, tạo điều kiện giao lưu quốc tế tại các địa phương và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đến năm 2025, mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương, đã được chính phủ đặt mục tiêu tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022.
Ảnh minh hoạ
Điển hình, ngày 18/5/2023 mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP 2023 về nhiệm vụ, giải pháp phục hồi phát triển du lịch. Phải dựa trên năng lực cốt lõi để tạo ra các sản phẩm du lịch mới và độc đáo, khác biệt và mang tính cạnh tranh cao. Một trong những “điểm nghẽn” mà Nghị quyết 82 xác định cần phải tháo gỡ để cho du lịch phát triển đó là hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư, phát triển du lịch cần có những đột phá hơn, cùng với đó là chiến lược thị trường, chính sách xúc tiến du lịch phải nhanh chóng “chuyển mình” trước những biến động của du lịch thế giới và khu vực.
Có thể thấy, trong suốt thời gian qua, một số địa phương đã xuất hiện mô hình du lịch kết hợp với nghỉ dưỡng homestay ở các địa phương như Hòa Bình, Quảng Bình… Thế nhưng, việc phát triển loại hình du lịch nông nghiệp đang gặp phải một số tồn tại. Trong khi pháp luật đất đai chưa quy định các chính sách về kết hợp kinh doanh cảnh quan du lịch sinh thái, các quy định về tách thửa đất nông nghiệp…khiến loại hình kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng phát triển một cách tự phát…
Chia sẻ về thị trường này, bà Nguyễn Thị Huyền – Giám đốc Chi nhánh miền Bắc Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) cho hay chính sách phát triển du lịch nông nghiệp đãđược Chính phủ quan tâm đã tạo động lực cho lĩnh vực này. Mặc dù vậy, mô hình du lịch nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển một cách tự phát, nhỏ lẻ, thiếu chiến lược quy củ, bài bản, chuyên nghiệp như các phân khúc bất động sản khác. Một trong những nguyên nhân là hành lang pháp lý để điều chỉnh và khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực tham gia phát triển bất động sản du lịch nông nghiệp một cách bài bản, chuyên nghiệp, tạo cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú nền tảng để thu hút và giữ chân du khách khi trải nghiệm, khám phá du lịch nông nghiệp.
Có thể thấy, mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn hiện đã và đang được triển khai ở nhiều địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế, ‘khoác áo mới’ cho loại hình bất động sản (BĐS) du lịch tại các địa phương. Tuy nhiên, do phát triển phân khúc này chưa chính danh, nên khó thu hút nhà đầu tư chất lượng vào lĩnh vực này. Việc phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ đem lại lợi ích cho ngành du lịch mà còn góp phần tăng giá trị cho vùng đất, đem lại cơ hội phát triển kinh tế và cải thiện đời sống cho cộng đồng địa phương…
Thông tin thêm về thị trường này, bà Nguyễn Thị Huyền cho biết tính đến hết năm 2022, cả nước đang có 580 điểm du lịch được công nhận và gần 1.500 điểm du lịch khác đang hoạt động khai thác, trong đó có khoảng 70% điểm du lịch tại khu vực nông thôn, khai thác đặc trưng đời sống, canh tác, văn hóa nông nghiệp. Đây là những một tiềm năng vô cùng lớn, cần có sự khai thác hiệu quả và chỉ đạo, định hướng đúng đắn để phát triển du lịch nông thôn bền vững, nâng cao đời sống cho chính cộng đồng cư dân và phát triển kinh tế địa phương. Với việc trải dài từ miền núi phía Bắc đến Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long… với đa dạng sản phẩm nông nghiệp, trở thành những điểm nhấn thu hút, thúc đẩy tăng trưởng du lịch vùng miền. Trong đó, nhu cầu khách du lịch mong muốn được tham quan trải nghiệm loại hình này tăng đều khoảng 20%/năm.
Theo bà Nguyễn Thị Huyền chia sẻ hầu hết những mô hình du lịch nông nghiệp, nông thông này thường được xây dựng ở những vùng có điều kiện tự nhiên ưu đãi, vùng quê hoặc đồi núi có không gian rộng thoáng, phù hợp cho những du khách đang tìm kiếm những trải nghiệm thực tế và độc đáo về nông nghiệp và văn hóa bản địa, vùng miền; phù hợp để đổi mới giáo dục, đưa trẻ em gần gũi với thiên nhiên, rèn luyện tính tự giác, tự lập và tạo điều kiện cho du khách khi trải nghiệm trở thành những người nông dân thực thụ, tận hưởng không gian yên tĩnh, tham gia vào các hoạt động canh tác, nuôi trồng thực tế của nông trại. Cụ thể, một số mô hình có thể kể đến: Du lịch canh nông phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm nhưng không lưu trú qua đêm; du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa vùng quê; tour xuyên Việt về trà, tour cà phê, tour tinh dầu; tour đánh bắt thủy hải sản, câu cá, câu mực đêm…
Ngoài ra, hạ tầng giao thông hiện nay về cơ bản đã được đầu tư phát triển đồng bộ, đủ các loại hình từ đường bộ nhất là các tuyến đường cao tốc, tỉnh lộ, đường sắt, hàng không…Vì vậy, vấn đề kết nối giữa các địa phương, vùng miền đã không còn là rào cản. Đồng thời, cơ chế chính sách cũng đang trở thành trợ lực quan trọng để thúc đẩy du lịch nông nghiệp, nông thôn đi lên, bà Nguyễn Thị Huyền khẳng định. Thế nhưng, hiện vẫn còn ít cơ sở lưu trú chất lượng để lưu giữ khách ở lại lâu hơn, phần nhiều là nhà ở của người dân, nên tiềm lực đầu tư hạn chế và vẫn “mạnh ai nấy làm”, chưa tạo ra bức tranh du lịch nông nghiệp tổng thể. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương chưa được đầu tư hoàn chỉnh hoặc đã được đầu tư nhưng không đảm bảo chất lượng. Hiện, các quy định hiện hành từ luật đến các nghị định, thông tư liên quan đều chưa có định danh tên gọi các loại hình BĐS cụ thể trong mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn để quản lý, nên khó thu hút các nhà đầu tư vào phân khúc này, nhằm tránh tình trạng như các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng condotel, shophouse…trước đây có thời kỳ phát triển rầm rộ, thu hút được nguồn lực đầu tư, nhưng vì thiếu hành lang pháp lý dẫn đến đổ vỡ, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả địa phương.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 xác định, mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những động lực đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả sẽ góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng nông thôn mới bền vững. Năm 2025, mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương.
Phân tích thêm về thị trường này, bà Nguyễn Thị Huyền khẳng định mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển tạo ra không gian mới để thu hút đầu tư, tạo tiềm năng, dư địa lớn để hình thành và phát triển phân khúc BĐS du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, những loại hình du lịch nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển thiếu chiến lược quy củ, bài bản, chuyên nghiệp như các phân khúc bất động sản khác do thiếu hành lang pháp lý để điều chỉnh và khuyến khích các nhà đầu tư. Luật Đất đai, Luật Du lịch và Luật Kinh doanh BĐS cũng chưa có quy định nào cụ thể, rõ ràng, đề cập trực diện về BĐS du lịch nông nghiệp, nông thôn; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đến quyền của các tổ chức, cá nhân… liên quan đến sử dụng đất phục vụ mục đích du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) Hoàng Thanh Quý – PGĐ Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) mong mỏi, các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý về thị trường BĐS nói chung và phân khúc thị trường BĐS du lịch nông nghiệp, nông thôn nói riêng, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Khi hoàn thiện, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS cần bổ sung các quy định làm cơ sở pháp lý nền tảng thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển phân khúc BĐS này. Qua đó, các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương đang mở ra nhiều cơ hội để đầu tư BĐS du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng là loại hình BĐS mới so với các phân khúc BĐS khác, chưa có nhiều người tham gia vào thị trường, nên có lợi thế và dư địa phát triển tại các địa phương, nhất là tại những vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng; vựa cà phê, hồ tiêu Tây Nguyên; miệt vườn Tây Nam Bộ, ruộng bậc thang Tây Bắc…
Tin rằng, sau khi rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý về thị trường bất động sản nói chung và phân khúc thị trường bất động sản du lịch nông nghiệp nói riêng, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Khi hoàn thiện, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản…cơ sở pháp lý nền tảng cho bất động sản du lịch nông nghiệp vận hành, phát triển thông suốt, đồng bộ, lành mạnh, sau đó cụ thể hóa hơn bằng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành hứa hẹn khơi thông bất động sản du lịch nông nghiệp trong tương lai không xa…
Trần Danh – Mỹ Huyền