(TVPLO) – Ngày 18/01/2025, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) chủ trì, giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) tổ chức buổi tham vấn pháp lý bằng hình thức trực tuyến cho một số đốc giả và doanh nghiệp thành viên. Nhân dịp, Tết Nguyên đán Ất Tỵ đang cận kề, các doanh nghiệp và độc giả quan tâm đến việc sử dụng tiền thật để trang trí cây thần tài và đổi tiền lì xì nhằm hưởng chênh lệch liệu có vi phạm pháp luật…
Nhắc lại câu hỏi của độc giả: Việc dùng tiền thật trang trí cây tiền thần tài, cây tiền tài lộc…đã trở thành thú chơi của nhiều người, căn cứ các quy định pháp luật thì thú chơi này có vi phạm gì không?. Gần Tết Nguyên đán, nhu cầu đổi tiền mới để lì xì dịp đầu năm của người dân tăng cao. Có cầu ắt có cung, trên mạng xã hội tràn ngập những tài khoản quảng cáo dịch vụ đổi tiền mới với đủ mệnh giá, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng, thu hút nhiều người tham gia. Thế nhưng, hành vi đổi tiền để hưởng chênh lệch có vi phạm pháp luật hay không?.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư – Thạc sỹ Nguyễn Thành Hưng – Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC), Giám đốc Chi nhánh số 1 phân tích cụ thể sau:
Dùng tiền thật trang trí cây thần tài có vi phạm pháp luật không?
Tết Nguyên đán đang đến gần, hầu hết các gia đình đều có nhu cầu trang trí cây cảnh đúng phong thủy để cả năm phát lộc. Trên mạng xã hội trong những năm gần đây liên tục xuất hiện hình ảnh cây tiền thần tài, cây tiền tài lộc… được trang trí bằng tiền thật với nhiều mệnh giá khác nhau.
Việc sử dụng tiền thật để trang trí cây tiền thần tài có vi phạm hay không cần phải được xem xét dựa trên các quy định pháp luật hiện hành trong các trường hợp cụ thể: Hành vi sử dụng tiền thật để trang trí cây tiền thần tài nhưng không làm rách nát, hư hỏng, biến dạng tiền. Trường hợp này không vi phạm pháp luật nếu tiền được gấp, treo hoặc sắp xếp mà không làm thay đổi hình dạng, kết cấu, hoặc giá trị lưu thông của tiền. Thế nhưng, cần lưu ý rằng việc sử dụng tiền thật vào mục đích trang trí có thể bị coi là không phù hợp với mục đích sử dụng tiền theo quy định của pháp luật và văn hóa xã hội; Hành vi sử dụng tiền thật để trang trí cây tiền thần tài làm rách nát, hư hỏng, biến dạng tiền. Nếu trong quá trình trang trí, tiền bị: Cắt, dán, xé rách hoặc làm biến dạng, làm hư hỏng không thể lưu thông được, thì đây là hành vi hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật theo khoản 4 Điều 3 Nghị định 87/2023.
Do đó, căn cứ theo khoản 3 Điều 31 Nghị định 88/2019, hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 10 – 15 triệu đồng.
Đổi tiền lì xì hưởng chênh lệch có vi phạm pháp luật?
Gần đây, chỉ cần gõ từ “đổi tiền lì xì” để tìm kiếm trên mạng xã hội facebook, trước mắt chúng tôi hiện ra hàng chục trang cá nhân hoặc các hội, nhóm với hàng chục nghìn thành viên chuyên “kinh doanh” dịch vụ đổi tiền lì xì.
Theo các nội dung quảng cáo, chỉ cần mất “phí” – thường dao động từ 2 đến 6%, người có nhu cầu sẽ được đổi tiền mới “nguyên thếp, nguyên sê-ri” với mệnh giá, số lượng theo nhu cầu, thời gian “giao hàng” cũng rất nhanh chóng.
Căn cứ theo khoản 5, Điều 30 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14-11-2019 của Chính phủ, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, thì hành vi “Thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật” bị nghiêm cấm, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với cá nhân, từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với tập thể.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, việc đổi tiền cũ sang tiền mới được thực hiện khi đồng tiền bị rách, nát, không đủ điều kiện lưu thông. Điều 6, Thông tư số 25/2013/TT-NHNN ngày 2-12-2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông nêu rõ: “Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, đơn vị thu đổi có trách nhiệm thực hiện việc thu, đổi ngay cho khách hàng có nhu cầu, không hạn chế số lượng, không yêu cầu thủ tục giấy tờ”.
Với các trường hợp đổi tiền vẫn đủ điều kiện lưu thông, điển hình như đổi tiền lì xì, pháp luật không cấm nếu được thực hiện đổi ngang giá. Tuy nhiên, khi thực hiện đổi tiền với mục đích ăn chênh lệch, hưởng lời, thì lại bị xếp vào hành vi “Thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật” và bị xử phạt theo quy định tại khoản 5, Điều 30 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP nêu trên.
Không bàn đến những biến tướng, lợi dụng để hối lộ, mua chuộc người khác nhằm mục đích vụ lợi, thì lì xì đầu năm là một mỹ tục, là nét văn hóa của dân tộc ta. Do vậy, nhu cầu đổi tiền mới vào mỗi dịp Tết đến Xuân về là có thực.
Nhiều người cho rằng, nên chăng, cần có quy định để các chi nhánh ngân hàng nhà nước, kho bạc nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần…tạo điều kiện cho người dân được đổi tiền mới trong một phạm vi phù hợp.
Dĩ nhiên, sẽ rất khó để các ngân hàng đáp ứng được nhu cầu đổi tiền của tất cả người dân. Bởi vậy, một kinh nghiệm đơn giản được nhiều người truyền tai nhau, là khi có nhu cầu tiền lì xì, thì ngay từ trước Tết một vài tháng, thông qua việc mua bán, trao đổi hàng hóa hằng ngày, mỗi người có thể chủ động lựa chọn, cất giữ những tờ tiền còn mới, phù hợp với mục đích lì xì ngày Tết.
Cùng với đó, để giảm áp lực đổi tiền mới, người dân cũng có thể chọn cách lì xì khác, như lì xì sách hoặc những món quà nhỏ ý nghĩa, thiết thực.
Văn Hải – Tuấn Tú (CTVTVPL Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm)