(TVPLO) – Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, lần đầu tiên kinh tế tuần hoàn được đề cập trong Văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định xây dựng kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kinh tế tuần hoàn là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, cải thiện năng suất lao động, tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng mới, hiệu quả cao, đảm bảo tăng trưởng xanh và hướng tới phát triển bền vững.
Anhr minh hoạ
Kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang trở thành một xu hướng tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Đây là mô hình kinh tế dựa trên nguyên tắc “đầu ra của sản phẩm này là đầu vào của sản phẩm khác”, tạo ra một vòng lặp khép kín, giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, quá trình thực hiện KTTH tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi sự đổi mới trong tư duy và cách tiếp cận.
PGS.TS. Nguyễn Đức Minh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho hay, KTTH là một trong những nội dung quan trọng để Việt Nam thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình này. Việt Nam có nhiều cơ hội để thực hiện KTTH. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhận thức về KTTH vẫn còn nhiều hạn chế, từ cấp quản lý cho đến doanh nghiệp và người dân.
Trong khi đó, Thượng tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, nhận thức về KTTH còn nhiều hạn chế. Nhận thức của người nông dân, doanh nghiệp, HTX, người tiêu dùng về KTTH chưa đầy đủ, thiếu nhận thức và hiểu biết về KTTH ở cấp quản lý, sản xuất và tiêu dùng. Tư duy hệ thống trong hoạch định, điều hành chính sách, pháp luật và thực tiễn sản xuất, kinh doanh chưa đồng bộ, hiệu quả. Hệ thống pháp luật về KTTH còn phân tán. Cơ chế chính sách đặc thù, thử nghiệm cho phát triển KTTH chưa được ban hành. Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, nhấn mạnh: “Còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực tài chính cho phát triển KTTH. Đầu tư cho hoạt động R&D, KHCN cho phát triển KTTH còn hạn chế, chưa có sự gắn kết giữa các tổ chức nghiên cứu với doanh nghiệp”.
Trong đó, việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, KTTH thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn. Việc thúc đẩy kinh tế xanh, KTTH, tín dụng xanh sẽ khiến các TCTD phát sinh chi phí để đầu tư xây dựng hệ thống quản trị phù hợp, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ ngân hàng…
Chia sẻ với chúng tôi, TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra rằng hệ thống chính sách phát triển KTTH chưa đủ hoàn thiện. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận kiến thức, công nghệ và tài chính để chuyển đổi sang KTTH. Hệ thống pháp luật về KTTH còn phân tán, thiếu sự đồng bộ giữa các lĩnh vực kinh tế và môi trường.
Có thể thấy, KTTH không chỉ là một lựa chọn, mà là xu hướng tất yếu cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống chính sách toàn diện và linh hoạt, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực cần thiết.
Theo TS Trần Thị Hồng Minh đề xuất là xây dựng cơ chế thử nghiệm cho KTTH, bắt đầu từ những ngành có tiềm năng như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng và vật liệu xây dựng. Việc thử nghiệm các chính sách trong khu công nghiệp và khu kinh tế cũng có thể tạo ra động lực cho đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất lao động.
Cũng với đó, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng cần huy động tối đa các nguồn lực để phát triển KTTH, bao gồm cả tài chính, nhân lực và vật lực. Việc đồng bộ hóa các chính sách tài khóa, thuế, phí và hỗ trợ tài chính là giải pháp quan trọng để thúc đẩy kinh tế xanh và KTTH. Đồng thời, cần đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng “xanh” như năng lượng tái tạo và công nghệ tiên tiến để giảm thiểu tác động môi trường.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bên liên quan, từ chính phủ, doanh nghiệp đến các tổ chức nghiên cứu và cộng đồng, là yếu tố quan trọng để tạo ra một hệ sinh thái KTTH hiệu quả.
Tương tự, TS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Phó Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam thì cho biết, việc khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là chìa khóa để chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang KTTH. Đặc biệt, phát triển nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao là hướng đi phù hợp, giúp giảm phát thải khí nhà kính và tiết kiệm tài nguyên.
Ở Việt Nam, hàng loạt các tập đoàn, doanh nghiệp đã tăng cường triển khai kiểm kê phát thải khí nhà kính, xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh, lấy đổi mới sáng tạo, ứng dụng kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm để nâng cao sức cạnh tranh bền vững và tạo đột phá mới cho doanh nghiệp.
Ảnh minh hoạ
TS. Hồ Minh Sơn cho biết thêm với những nỗ lực thực thi của cộng đồng doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới, đặc biệt là kinh tế tuần hoàn, kinh tế phát thải các-bon thấp, là cơ sở quan trọng đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu phát triển của Việt Nam, thúc đẩy mục tiêu thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam không chỉ phù hợp với những khát vọng phát triển mà còn thúc đẩy các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu. Kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng phát triển chung trên toàn thế giới và được coi là một trong những trọng tâm ưu tiên trong chính sách phát triển quốc gia của nhiều nước, nhằm hướng tới phát triển bền vững. Kinh tế tuần hoàn được đánh giá là sẽ tạo tác động xã hội và mang lại các lợi ích kinh tế, kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp.
Với sự phối hợp giữa Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng, KTTH có thể trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, đưa Việt Nam tiến xa hơn trong hành trình hội nhập quốc tế và chống lại biến đổi khí hậu.
Đặng Hưởng – Văn Hải/Nguồn Viện IRLIE