(TVPLO) – Theo hãng thông tấn nhà nước Antara, Bộ trưởng Truyền thông và Tin học Johnny G. Plate tuyên bố, việc thông qua Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là cột mốc quan trọng và là điều kiện tiên quyết thúc đẩy sự kết nối và những tiến bộ cho lĩnh vực kỹ thuật số quốc gia. Ông Plate cho biết luật bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác quản lý và xử lý các vi phạm bảo mật dữ liệu.
Nguồn: goldenadgroup.vn
Các vi phạm bảo mật nêu bật nhu cầu cấp thiết đối với Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để duy trì lòng tin của công chúng, đặc biệt là khi thông tin cá nhân được yêu cầu cho các dịch vụ công cộng và được xử lý kỹ thuật số. Ví dụ: số chứng minh Nhân dân (NIK) thường được sử dụng để đăng ký các ứng dụng trực tuyến và để xửlý việc mua vé tàu.
Ông Abdul Kharis Almasyhari, thành viên của Ủy ban Giám sát pháp luật của Quốc hội thì nhận định, việc thông qua đạo luật cho thấy, nhà nước kiên quyết bảo đảm bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân.
Với việc thông qua Luật, Indonesia trở thành quốc gia thứ 5 ở Đông Nam Á có luật cụ thể về bảo vệ dữ liệu cá nhân sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines. Gần đây nhất, theo tờ Bangkok Post, Đạo luật Bảo vệdữ liệu cá nhân (PDPA) của Thái Lan có hiệu lực vào ngày 1.6 sau 2 năm trì hoãn. Luật mới này gồm những quy định mà các lĩnh vực công và tư phải tuân thủ khi thu thập, sử dụng dữ liệu cá nhân để bảo vệ sự riêng tư và an ninh.
Trước đó, PDPA của Singapore được thông qua năm 2012, theo đó quy định việc xử lý dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực tư nhân. Cũng trong năm này, Philippines đã thông qua đạo luật tương tự. Riêng Malaysia thông qua PDPA năm 2010.
Theo báo cáo mới nhất từ Temasek Holdings Pte của Singapore, việc ban hành luật bảo mật dữ liệu còn đặc biệt quan trọng vì nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia sẽ đạt mức tăng trưởng 146 tỷ USD vào năm 2025. Nhà cung cấp dữ liệu “đám mây PT DCI” Indonesia cho biết vào tháng 3, một dự án mới để thiết lập một trung tâm dữ liệu ở Bintan sẽ chỉ được tiến hành khi chính phủ ban hành quy định về bảo vệ và an toàn dữliệu.
Joel Shen, người đứng đầu bộ phận hành nghề công nghệ tại châu Á của công ty luật toàn cầu Withers cho biết: “Những luật cũ đã lỗi thời. Vì vậy việc ban hành những quy định mới nếu được thi hành một cách chính xác, sẽ là lợi ích rất cần thiết cho lĩnh vực công nghệ đang phát triển và rộng lớn của Indonesia”.
Nền kinh tế Indonesia đã hoạt động tốt trong những thập kỷ qua, trở thành nền kinh tế lớn thứ 16 thế giới với GDP hơn 1 nghìn tỷ USD vào năm 2020. Để theo kịp khả năng cạnh tranh, tăng trưởng kỹ thuật số là yếu tố bắt buộc đối với quá trình chuyển đổi kỹ thuật số quốc gia của Indonesia. Đây không chỉ là một phần của sự phát triển kinh tế; nó trở thành sự phát triển kinh tế quốc gia.
Indonesia ước tính có khoảng 220 triệu người dùng internet. Quốc gia này cũng được dự đoán sẽ chiếm 40% tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử (GMV) của Đông Nam Á năm 2021, ở mức 70 tỷ USD, theo báo cáo Đông Nam Á e-Conomy năm 2021, bao gồm sáu thị trường khu vực: Singapore, Malaysia, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Philippines. Nghiên cứu cũng tiết lộ rằng 80% ở Indonesia đã thực hiện ít nhất một lần mua hàng trực tuyến.
Đạt Quốc
https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/tam-khien-phap-ly-cho-nen-kinh-te-ky-thuat-so-i307199/