(TVPLO) – Trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (vụ án giao thông), việc xác định tỉ lệ tổn thương cơ thể khi có thiệt hại về sức khỏe cho người khác là yếu tố quan trọng để định tội danh, định khung hình phạt…, bởi Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 có cấu thành vật chất, hậu quả là yếu tố bắt buộc. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng gặp không ít khó khăn khi người bị thiệt hại về sức khỏe từ chối giám định.
Ảnh minh họa.
- Khó khăn, vướng mắc
Một là, chưa có chế tài đủ mạnh để bắt buộc người bị thiệt hại về sức khỏe phải tiến hành giám định. Trong vụ án giao thông có thiệt hại về sức khỏe, việc trưng cầu giám định là bắt buộc. Kết luận giám định là chứng cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, cơ chế hình thành dấu vết, tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; những tình tiết liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án, để đảm bảo việc xử lý vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật. Chỉ khi xác định được phần trăm tỉ lệ thương tích của người bị thiệt hại về sức khỏe thì Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền mới có căn cứ để khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự và việc giám định này được thực hiện bởi cơ quan giám định theo yêu cầu trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định tại các Điều 205, 206 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015.
Điểm l khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015 quy định: “Dẫn giải là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người làm chứng, người bị tố giác hoặc bị kiến nghị khởi tố đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố, xét xử hoặc người bị hại từ chối giám định”; đồng thời, điểm b khoản 2 Điều 127 BLTTHS năm 2015 cũng quy định về áp giải, dẫn giải như sau: “Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”. Đây cũng là điểm mới, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định của BLTTHS năm 2003 và những khó khăn của các cơ quan tiến hành tố tụng trong thời gian qua. Đồng thời, thúc đẩy quá trình giải quyết vụ án được diễn ra nhanh chóng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ án giao thông, các cơ quan tiến hành tố tụng đã giải thích rõ quyền và nghĩa vụ, động viên, thuyết phục người bị thiệt hại giám định và người bị thiệt hại vẫn chấp hành quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng, đến địa điểm giám định và không có dấu hiệu nào cho thấy họ có hành vi chống người thi hành công vụ nhưng lại cương quyết từ chối giám định, bởi một nguyên nhân nào đó xuất phát từ ý chí chủ quan của họ, có thể họ cho rằng: tai nạn giao thông là điều không may; các bên đã thỏa thuận bồi thường xong toàn bộ thiệt hại; người gây thiệt hại là người thân thích hoặc hàng xóm láng giềng… Pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định, chế tài nào đủ mạnh để bắt buộc họ phải giám định. Điều này dẫn đến việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả đấu tranh chống tội phạm.
Hai là, khó khăn trong việc xác định tư cách tham gia tố tụng.
Ví dụ: Khoảng 15 giờ 15 phút ngày 04/11/2023, sau khi uống rượu, Đậu Cao T. đã điều khiển xe mô tô BKS 43L1-7XXX lưu thông trên đường L., phần đường một chiều hướng từ đường M. đi đường N., thuộc địa phận phường M., quận L., thành phố Đ. Quá trình di chuyển, do bị rơi điện thoại nên T. điều khiển xe quay sang trái, vòng lại, đi ngược chiều trên làn đường dành cho xe ô tô để nhặt điện thoại. Khi nhặt xong, T. tiếp tục tăng ga đi ngược chiều về trước thì bất ngờ phát hiện xe mô tô BKS 43F1-38Y.YY do anh Nguyễn Anh T. điều khiển chở phía sau anh Lê Minh L. đang lưu hành đúng chiều trên làn đường dành cho xe ô tô ở ngay phía trước. Do khoảng cách quá gần, không kịp xử lý nên T. đã để xe mô tô do mình điều khiển tông vào phía trước, phần đầu của xe mô tô do anh T. điều khiển tại khu vực trước trụ đèn chiếu sáng S20 dẫn đến tai nạn. Hậu quả làm anh Nguyễn Anh T. bị thương, cấp cứu tại Bệnh viện Đ. nhưng tử vong ngay sau đó; anh Lê Minh L. bị thương nhưng từ chối giám định thương tích; Đậu Cao T. bị thương, 02 xe mô tô bị hư hỏng. T. đã hỗ trợ cho L. 37.000.000 đồng chi phí điều trị tại Bệnh viện và bồi dưỡng sức khỏe.
Việc xác định tư cách tham gia tố tụng của Lê Minh L. trong vụ án nêu trên còn có những quan điểm trái chiều:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hồ sơ bệnh án thể hiện L. bị chấn thương sọ não. Căn cứ quy định tại Điều 62 BLTTHS năm 2015: “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”. Như vậy, L. là cá nhân bị thiệt hại về thể chất do chính hành vi phạm tội của T. gây ra. Do đó cần xác định Lê Minh L. là bị hại trong vụ án nói trên.
Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả: Cần xác định L. là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Bởi, mặc dù L. bị chấn thương sọ não do hành vi phạm tội của T. gây ra, phải nhập viện điều trị và T. đã hỗ trợ chi phí điều trị, bồi dưỡng sức khỏe cho L., nhưng L. đã từ chối giám định nhiều lần, nên không có cơ sở để xác định thiệt hại thực tế của L., làm căn cứ để định khung hình phạt, xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của T. đối với L… Việc từ chối giám định thể hiện ý chí của L. tự nguyện từ bỏ một số quyền mà pháp luật hình sự quy định chỉ bị hại mới có.
Ngoài ra, cùng quan điểm thứ hai nhưng đặc trường hợp T. chưa hỗ trợ cho L. số tiền 37.000.000 đồng chi phí điều trị tại bệnh viện và bồi dưỡng sức khỏe, thì cần xác định L. tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng.
Ba là, không thể giám định trên hồ sơ. Bởi, Điều 2 Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 của Bộ Y tế quy định tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần (Thông tư số 22) quy định về Nguyên tắc giám định như sau:
“1. Giám định xác định tỉ lệ % tổn thương cơ thể phải được thực hiện trên người cần giám định, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
- Giám định để xác định tỉ lệ % tổn thương cơ thể được thực hiện trên hồ sơ trong trường hợp người cần giám định đã chết hoặc bị mất tích hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, về nguyên tắc giám định thì không giám định trên hồ sơ trong trường hợp người cần giám định đang sống. Hiện nay, Thông tư số 22 cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào thuộc “trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. Điều này càng gây thêm khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giải quyết các vụ án có thiệt hại về sức khỏe nói chung và vụ án giao thông nói riêng khi người có thiệt hại về sức khỏe từ chối giám định mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
- Đề xuất, kiến nghị
Để áp dụng pháp luật một cách thống nhất và hiệu quả, tác giả đề xuất, kiến nghị một số nội dung sau:
Một là, mặc dù Điều 20 Hiến pháp năm 2013 có quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể”, tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt, cần thiết phải có một chế tài đủ mạnh (bằng quy phạm pháp luật hành chính hoặc hình sự) để người có thiệt hại về sức khỏe tiến hành giám định theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật hình sự và các quy định khác có liên quan.
Hai là, thời gian tới, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần có hướng dẫn cụ thể việc xác định tư cách tham gia tố tụng trong các trường hợp mà người bị thiệt hại về thể chất từ chối giám định mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan, để áp dụng thống nhất pháp luật.
Ba là, Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể khoản 2 Điều 2 Thông tư số 22 thế nào thuộc “trường hợp khác theo quy định của pháp luật” và có thể bổ sung về nguyên tắc giám định trên hồ sơ trong trường hợp nếu người bị hại từ chối giám định mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
VÕ MINH TUẤN/Tòa án Quân sự Khu vực 1 Quân khu 5
https://lsvn.vn/bi-hai-tu-choi-giam-dinh-trong-vu-an-vi-pham-quy-dinh-ve-tham-gia-giao-thong-duong-bo-kho-khan-vuong-mac-va-kien-nghi-1717254101.html