(TVPLO) – Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu tài trợ (Dự án EU JULE), Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) đã phối hợp với UNDP (Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc) đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao kỹ năng tư vấn pháp luật cho luật sư, tư vấn viên pháp luật tại khu vực phía Nam để góp phần hỗ trợ pháp lý hiệu quả hơn cho phụ nữ là nạn nhân của bạo lực giới.
Bà Đặng Kim Hoa phát biểu khai mạc
Cụ thể, diễn ra trong hai ngày (từ ngày 01 đến ngày 02/04/2024), tại Khách sạn Sen Việt (toạ lạc tại số 33, đường Cao Thằng, phường 2, quận3, Thành phố Hồ Chí Minh). Cục Bổ trợ tư pháp đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao kỹ năng tư vấn pháp luật cho luật sư, tư vấn viên pháp luật. Chủ trì do Bà Đặng Kim Hoa – Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp. Diễn giả chính chương trình có Luật sư Đặng Thị Ngọc Hạnh – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế; Luật sư Trần Văn An – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang, UV BTV Liên Đoàn Luật sư Việt Nam. Chương trình đã thu hút gần 70 luật sư, 10 tư vấn viên pháp luật trong đó có Tiến sĩ Hồ Minh Sơn – Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC).
Luật sư Đặng Thị Ngọc Hạnh phân tích nhiều tình huống hay
Phát biểu khai mạc, Bà Đặng Kim Hoa nhấn mạnh, bạo lực và mua bán người là vấn nạn xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nạn nhân thường là những người yếu thế, đa số là phụ nữ và trẻ em. Hiện nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong nước cũng như một số Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về việc bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp cho người yếu thế trong đó có nạn nhân bạo lực và nạn nhân của hành vi mua bán người. Chính sách trợ giúp pháp lý hỗ trợ cho nạn nhân và những người yếu thế khác thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với các đối tượng yếu thế này. Qua đó, Cục Bổ trợ tư pháp đã chủ động tham mưu Bộ Tư pháp tổ chức nhiều chương trình tập huấn tương tự trong toàn quốc tập trung thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực và nạn nhân đã thể hiện trách nhiệm và sự quan tâm của Bộ, ngành Tư pháp đối với người được trợ giúp pháp lý, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế này.
Luật sư Trần Văn An chia sẻ nhiều kỹ năng, nghiệp vụ nâng cao
Tại lớp tập huấn, các luật sư đã được nghe hai diễn giả truyền đạt các nội dung: Vấn đề bất bình đẳng giới, thực trạng, nguyên nhân và giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới; kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình; kiến thức phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và trợ giúp các nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới; Biện pháp phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, giúp cho các luật sư, tư vấn viên pháp luật nâng cao kỹ năng hỗ trợ cộng đồng nhận biết về các hành vi bạo lực giới trên cơ sở giới, hình thức bạo lực, trách nhiệm của cá nhân, gia đình và cộng đồng, trong phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, các hình thức xử lý đối với hành vi bạo lực, các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới. Xây dựng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại các địa phương lồng ghép các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ an ninh Tổ quốc, lồng ghép các hoạt động của ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội.
Các đại biểu cùng các luật sư, tư vấn viên pháp luật chụp ảnh lưu niệm
Đặc biệt, các luật sư, tư vấn viên pháp luật còn được trao đổi, thảo luận, thực hành xử lý, giải quyết một số tình huống vụ việc bạo lực gia đình thường gặp ở cộng đồng; thực hành kỹ năng tìm hiểu các thông tin về đối tượng và vụ việc; quá trình tư vấn pháp luật theo từng vụ việc đảm bảo cung cấp dịch vụ liên tục, bài bản và khoa học …
Mặc dù vậy, việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng đặc thù này đòi hỏi người thực hiện trợ giúp pháp lý phải có thêm các kỹ năng, nghiệp vụ khi tiếp xúc, làm việc với họ. Vì lẽ đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực, nạn nhân bị mua bán thuộc diện được trợ giúp pháp lý…Mặt khác, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức đoàn thể với luật sư, tư vấn viên pháp luật trong việc phát hiện, giới thiệu, thông tin về nhu cầu trợ giúp pháp lý cho nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và lao động di cư thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Quang cảnh của chương trình
Tập huấn được tổ chức theo phương pháp “lấy người học làm trung tâm”, tập trung trao đổi, làm rõ các vấn đề, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hỗ trợ và trợ giúp pháp lý cho nạn nhân. Để chương trình có chất lượng, hai diễn giả còn đề nghị các luật sư, tư vấn viên pháp luật nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động tham gia các hoạt động của chương trình, thẳng thắn trao đổi những vấn đề chưa rõ, những hạn chế bất cập trong hoạt động thực tiễn của mình liên quan đến việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực, mua bán người trong đó cần lưu ý nhóm phụ nữ, trẻ em để chia sẻ, học tập, tích luỹ thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn bổ ích trong đợt tập huấn này.
TS Hồ Minh Sơn trả lời câu hỏi của giảng viên
Có thể thấy, Cục Bổ trợ tư pháp và hai luật sư giảng viên đã áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại, tích cực, lấy học viên làm trung tâm; giảng viên đóng vai trò điều phối, khuyến khích học viên chia sẻ ý kiến, những vấn đề thực tế phát sinh, kể những câu chuyện khó khăn, vướng mắc, tập trung vào những vấn đề đặc thù của đối tượng được trợ giúp pháp lý là nạn nhân bạo lực gia đình.
Trong các phần trao đổi, thảo luận, các luật sư, tư vấn viên pháp luật đã được chia nhóm nhỏ để thảo luận, thực hành, chia sẻ các kinh nghiệm xử lý các tình huống thực tiễn liên quan đến nội dung tập huấn chuyên sâu như: cách nhận biết các hành vi bạo lực; việc xác minh thông tin, nhất là trường hợp nạn nhân là trẻ em, người khuyết tật, là nạn nhân bạo lực và nạn nhân mua bán người; việc trợ giúp pháp lý; việc xác định các vụ việc trợ giúp pháp lý luôn bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các nhóm đối tượng đặc thù; các trường hợp chuyển tuyến dịch vụ.
Thông qua lớp tập huấn nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động toàn xã hội chủ động, tích cực hành động nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Tin rằng, chương trình sẽ hỗ trợ nhiều kinh nghiệm sâu sắc góp phần nhỏ vào việc giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em. Nâng cao kiến thức về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ…Từ đó, góp phần làm tốt hơn công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc.
Bài: Minh Sơn – Ảnh: Thanh Việt