(TVPLO) – Theo tìm hiểu của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) cho thấy người nổi tiếng, nhất là các nghệ sĩ, các nhà tri thức cần ‘gắn trách nhiệm’ của mình, cẩn trọng trước những phát ngôn. Trongđó, phải luôn ý thức được vị trí bản thân trong lòng công chúng và cố gắng giữ những chuẩn mực nhất định. Bởi, bất cứ ai phát ngôn gây sốc, sử dụng mạng xã hội để đả kích, chửi bới, gây hoang mang đều bị pháp luật xử lý nghiêm…
Ảnh minh hoạ
Ông Hồ Minh Sơn chia sẻ bản chất của sự nổi tiếng chính là nhờ vào khả năng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Vì lẻ đó, một khi nổi tiếng, người ta sẽ phải đối diện với sự kỳ vọng, đánh giá và “ngó nghiêng” của nhiều người.
Ông bà mình thường nói “chín người mười ý” huống gì khi ai đó trở nên nổi tiếng thì sẽ có hàng triệu người dõi theo từng cử chỉ, hành động, lời nói. Mỗi người lại đặt cho mình những kỳ vọng, tiêu chuẩn, yêu cầu riêng của chính mình. Điều này, khiến cho bản thân người nổi tiếng dễ bị vướng vào những lùm xùm “vạ miệng”…
Cụ thể, ngày 26/02/2024, Thượng tọa Thích Tâm Hải, Trưởng Ban Thông tin – Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, cho hay hiện đang lắng nghe, ghi nhận ý kiến của tăng, ni, Phật tử các nơi về phát ngôn của tiến sĩ Đoàn Hương. Thượng tọa Thích Tâm Hải nói sau khi lắng nghe, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM sẽ gửi các kiến nghị đến các cơ quan chức năng xem xét theo thẩm quyền. Được biết, tại một chương trình talkshow trước đó, TS Đoàn Hương nhận xét một số nhà sư “làm tiền”, “sống xa hoa khiến đi tu trở thành một nghề”, đền chùa “mài dao cả năm để chờ chặt chém du khách”…Ngay sau khi chương trình được phát trên YouTube, nhiều nhà sư đã lên tiếng và cho rằng phát ngôn của TS Đoàn Hương đang đi quá xa.
Tương tự, hoa khôi ĐBSCL năm 2015 Nam Em “chiếm sóng mạng xã hội” với những buổi livestream về góc khuất trong showbiz. Người đẹp cho biết có nam nghệ sĩ dù công khai cầu hôn người khác nhưng vẫn qua lại với cô. Từ ám chỉ này, cư dân mạng “đoán già đoán non” và liên tục nhắc tên nghệ sĩ T.G. khiến cuộc sống, công việc của anh bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, người từng gây xôn xao như Võ Quốc, một đầu bếp nổi tiếng nhưng liên tục có lời lẽ khiếm nhã. Đầu tháng 10-2023, Sở TT-TT TP HCM đã ra quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng với người này do đăng nội dung tục tĩu, xúc phạm nhà báo và nghề báo.
Có thể thấy, không chỉ những nghệ sĩ trẻ, người mới nổi tiếng mà bất cứ ai hiện cũng có thể vướng vào những lần “lỡ lời”, đặc biệt là trên mạng xã hội. Ông Hồ Minh Sơn phân tích có nhiều nguyên nhân. Có thể kể đến những nguyên nhân thường thấy như: bản thân người trong cuộc chưa có nhiều kỹ năng khi giao tiếp, ứng xử trước công chúng, nhất là là trên không gian mạng. Khi đã nổi tiếng thì đừng bao giờ nghĩ rằng mình bình luận cho vui. Chỉ cần một lần lỡ lời hay phát ngôn vui quá trớn cũng dễ gây hiểu lầm và vướng vào những sự việc không đáng có. Mặt khác, cũng có nguyên nhân xuất phát từ việc một bộ phận nghệ sĩ cảm thấy được nhiều khán giả yêu mến nên thoải mái phát ngôn và nghĩ rằng người hâm mộ sẽ luôn bao dung cho họ. Hay cũng có thể là người nổi tiếng quá vô tư trong hành xử, phát ngôn theo bản năng một cách tự nhiên quá mức…
Ngạn ngữ Ả Rập có câu: “Bốn điều không bao giờ quay lại, đó là lời đã nói, mũi tên đã lao đi, cuộc đời đã sống và cơ hội đã bỏ qua”. Các nhà tâm lý học thì thấy mối quan hệ nhân quả của cuộc sống mỗi người, trong đó lời nói là một khâu quan trọng: Hãy cẩn trọng với suy nghĩ của bạn vì suy nghĩ sẽ sinh ra lời nói; Hãy cẩn trọng với lời nói vì lời nói sẽ sinh ra hành vi; Hãy cẩn trọng với hành vi vì hành vi sẽ sinh ra thói quen; Hãy cẩn trọng với thói quen vì thói quen sẽ tạo ra tính cách; Hãy cẩn trọng với tính cách vì tính cách sẽ tạo nên số phận.
Cha ông ta cũng có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua; Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hay “Họa từ miệng mà ra; Bệnh từ miệng mà vào”…tất cả đều nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa và tầm quan trọng của lời nói. Không chỉ vì hậu quả của lời nói dễ gây ảnh hưởng tiêu cực, khiến nhiều người lấy “im lặng là vàng”, mà quan trọng nhất, lời nói thể hiện tính cách cũng như trình độ học vấn, kỹ năng sống, sở thích và sự giáo dục của gia đình…Hoặc khái quát, nó định dạng “phông nền” văn hóa một cá nhân. Nếu hiểu theo Pierre Boudieu, nhà xã hội học người Pháp, thì lời nói là một biểu hiện cụ thể nhất của văn hóa cá nhân. Thông qua lời nói, cá nhân bộc lộ một cách trung thực về trình độ, kiến thức, hiểu biết, cá tính, sở thích, xu hướng xã hội và rất nhiều thông tin khác về bản thân họ. Chính vì thế, cẩn trọng, lựa chọn lời ăn, tiếng nói cũng là cách chúng ta rèn luyện đạo đức và tự hoàn thiện bản thân mình.
Ông Hồ Minh Sơn khuyến nghị mạng xã hội là nơi kết nối người dùng khắp nơi trên thế giới. Ngoàinhững điều bổ ích về công nghệ, văn hóa, tình người thì thông tin giật gân, gây sốc, tin giả, sai sự thật cũng tràn lan. Luật Công nghệ Thông tin 2006 và Luật Viễn thông năm 2009 đã quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có những hành vi phi chuẩn mực trên. Căn cứ điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 cũng quy định về các hành vi bị cấm khi sử dụng không gian mạng. Tùy vào tính chất, mức độ và hành vi mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc khởi tố hình sự.
Dẫn chứng, căn cứ tại Điều 99 của Nghị định 15/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, người vi phạm sẽ bị xử phạt từ 20 – 30 triệu đồng nếu đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Cũng nghị định này, điều 101 nêu rõ người chia sẻ thông tin giả mạo, xuyên tạc, vu khống, cổ xúy mê tín, nội dung đồi trụy, miêu tả tỉ mỉ các vụ tai nạn, rùng rợn, chia sẻ thông tin gây hoang mang… có thể bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng, ông Sơn cho hay.
Phân tích thêm, tùy vào tính chất và trường hợp cụ thể, người vi phạm còn có thể bị xử lý về các tội “Làm nhục người khác”, “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”, “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, ông Hồ Minh Sơn cho biết.
Dẫu biết rằng, cơ quan quản lý sẽ kiên quyết xử lý những trường hợp lợi dụng mạng xã hội để thu hút người theo dõi, thu hút dư luận bằng hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật. Đồng thời, người sử dụng mạng xã hội đưa lên những thông tin tích cực, nhân văn thì môi trường internet sẽ nhận được năng lượng tích cực, còn không thì ngược lại. “Người dùng mạng xã hội không nên nghĩ không gian mạng là ảo vì hậu quả luôn thật. Mỗi người phải ứng xử đúng quy định pháp luật”.
Lấy ví dụ: Vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, Đặng Thị Hàn Ni, luật sư Trần Văn Sỹ là ví dụ rõ ràng nhất về hậu quả những phát ngôn trên mạng xã hội. Ông Sơn, nhấn mạnh: ‘Mạng xã hội là nơi để chia sẻ, tiếp nhận thông tin, kết nối và giao lưu, học hỏi. Do đó người dùng mạng xã hội như công cụ để đả kích, chửi bới, xúc phạm, mạt sát nhau thì có thể bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Hãy làm một người sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, an toàn’.
Có thể thấy, trước bối cảnh xã hội đương đại rất phức tạp khiến con người có nhiều cách thể hiện ở những không gian và môi trường khác nhau. Chúng ta đã từng thấy một ai đó nổi danh là “anh hùng bàn phím” trên cõi mạng, nhưng lại rất rụt rè, nhút nhát ở cuộc sống thật. Môi trường ảo khiến nhiều người thể hiện cái tôi-cá nhân nhiều hơn mà ít chú ý đến cái tôi-xã hội. Khi cái tôi-cá nhân lấn át cái tôi-xã hội, người ta sẽ ít chú ý đến áp lực của dư luận khi thể hiện quan điểm, và từ đó thiếu sự kiềm chế, đặc biệt trong việc sử dụng ngôn từ. Họ cho rằng, phát ngôn trên mạng không gây hại cho ai vì chẳng ai biết mình là ai; hoặc mạng là nơi để xả ra những căng thẳng, mệt mỏi, ức chế như một hình thức tâm sự giấu mặt…Có rất nhiều lý do để hình thành nên những phát ngôn bất cẩn, trong một bối cảnh nào đó có thể được gợi lại, khiến ai đó phải ân hận vì những lời mình đã từng nói ra.
Ông Hồ Minh Sơn cho rằng phát ngôn bất cẩn trên mạng xã hội hoặc toạ đàm, hội thảo đặc biệt nghiêm trọng đối với những người của công chúng, những nhà tri thức bởi họ luôn bị soi xét từng cử chỉ, hành vi cho đến lời ăn tiếng nói. Những thông tin đó thường được lan truyền nhanh và dễ trở thành chủ đề gây tranh cãi, đôi khi biến cuộc sống của một người nổi tiếng trở nên vô cùng mệt mỏi, thậm chí rơi vào bi kịch. Ngoài việc điều chỉnh hệ thống pháp luật cho phù hợp với thời đại, cần bổ sung thêm công cụ để bao quát tốt hơn những sai phạm, trong đó yếu tố con người vô cùng quan trọng. “Chúng ta có xã hội số, kinh tế số, văn hóa số thì cần có những con người quản lý các lĩnh vực đó”…
Cũng theo ông Sơn mỗi người dùng mạng xã hội cần có ý thức thông báo về những tin xấu đến các cơ quan chức năng sẽ góp phần tạo ra môi trường tốt để chúng ta phát triển văn hóa, con người. “Nhiều người nổi tiếng đã bị nhắc nhở và xử lý nghiêm khi có sai phạm trên mạng xã hội. Dù chưa hạn chế được triệt để nhưng rõ ràng những sự răn đe kịp thời sẽ là lời cảnh báo để bất cứ ai cũng cần có ý thức thượng tôn pháp luật, dù ở đời thực hay trên không gian mạng. Qua đó, người nổi tiếng có thể là những tấm gương sáng, truyền cảm hứng và động lực tích cực nhưng cũng có thể tác động tiêu cực đến số đông. Xã hội và pháp luật luôn có những quy tắc ngăn ngừa hành vi lệch chuẩn.
Không thể phũ nhận, người trẻ hiện luôn cập nhật rất nhanh xu hướng của dòng chảy xã hội, đưa ra phản ứng nhanh chóng và cũng chịu nhiều tác động từ hành vi của thần tượng. Do vậy, cộng đồng thường lo ngại giới trẻ sẽ truyền bá hoặc bắt chước rập khuôn hành vi tiêu cực của những người nổi tiếng. Quan niệm, tiêu chuẩn của cá nhân sẽ bị ảnh hưởng và nếu hình thành hành vi tập thể thì sẽ gây nguy hiểm cho xã hội.
Ông Hồ Minh Sơn khẳng định, người nổi tiếng phải luôn có những trọng trách to lớn đối với các bạn trẻ. Bên cạnh trách nhiệm của một công dân, người nổi tiếng, người trí thức cần phải tự đặt trách nhiệm ở việc xây dựng hình ảnh, giá trị tốt đẹp đến công chúng. Cần chịu áp lực khi vướng phải các sai lầm, tránh hệ lụy xã hội. Chắc chắn rằng, các cơ quan chức năng sẽ có chế tài xử lý đối với người nổi tiếng có phát ngôn, hành vi không lành mạnh, làm ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống của giới trẻ.
TS. Hồ Minh Sơn trong một lần chia sẻ về thuyền thông đa phương tiện, xây dựng hình ảnh cá nhân tại Đại học Khoa học – Đại học Huế
Tin rằng, khi môi trường mạng xã hội giờ đây không còn là ẩn danh và ảo nữa, mỗi người dùng mạng xã hội có thể trở thành nô lệ của những lời đã nói. Cần phải luôn luôn tuân thủ nguyên tắc căn bản nhất của lời nói: CẨN TRỌNG. Cách cẩn trọng trong lời nói cũng chính là tôn trọng chính bản thân mình. Đó là một trong những bài học lớn của cuộc sống!
Trần Danh – Thuỳ Duyên/Nguồn Viện IMRIC