(TVPLO) – Sau khi nghiên cứu bài “Thẩm quyền theo lãnh thổ khi giải quyết các tranh chấp dân sự theo luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án?” của tác giả Nguyễn Huy Hoàng đăng ngày 16/02/2024, tôi cho rằng việc Thẩm phán phụ trách ra Quyết định nhận thấy không có cơ sở giải quyết là phù hợp với quy định pháp luật.
Tòa án xét xử một vụ ly hôn – Ảnh: MH
Theo như nội dung tình huống tác giả đưa ra, có thể thấy rằng, bản chất đây là một vụ kiện (khởi kiện yêu cầu ly hôn). Do đó, phải căn cứ theo quy định của Điều 39 BLTTDS 2015 về thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định là “Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở”…
Điều 28 BLTTDS 2015 quy định: Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án có “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn”.
Dựa vào căn cứ trên, việc khởi kiện vụ án ly hôn sẽ được thực hiện tại Tòa án nơi bị đơn là cư trú, làm việc.
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 16 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 cũng quy định về trình tự nhận, xử lý đơn kiện, đơn yêu cầu của Tòa án và chỉ định Hòa giải viên như sau: “Người khởi kiện, người yêu cầu gửi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính kèm theo tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Điều 190 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 119 của Luật Tố tụng hành chính.”
Qua những quy định nêu trên, có thể thấy rằng bà H đang khởi kiện ông V để yêu cầu ly hôn. Tuy nhiên, bà H đã gửi đơn khởi kiện đến Tòa án không hề liên quan tới nơi cư trú hoặc làm việc của ông V. Do đó, dù trong quá trình giải quyết vụ việc bà H và ông V có đồng ý thuận tình ly hôn thì đã sai về thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự; do vậy, bà H phải gửi đơn tới Tòa án nhân dân nơi ông V cư trú, làm việc là huyện HĐ, tỉnh QN để giải quyết vụ việc theo đúng thẩm quyền của quy định pháp luật.
Vì vậy, dù trong quá trình giải quyết các bên đồng ý thuận tình ly hôn tại Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì đây là kết quả giải quyết vụ việc nhưng thủ tục tố tụng lại không đúng thẩm quyền Tòa án nên Thẩm phán được phân công phụ trách giải quyết cho rằng không có căn căn cứ giải quyết để ban hành quyết định hòa giải thành là có cơ sở. Bản chất của vụ án là khởi kiện yêu cầu ly hôn nên việc khởi kiện phải thực hiện tại Tòa án nơi bị đơn là cá nhân cư trú hoặc làm việc.
Đều này phù hợp với quy định về thẩm quyền Tòa án trong BLTTDS năm 2015 cũng như quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020. Đồng thời việc làm của Thẩm phán phụ trách cũng hạn chế hệ lụy bị Viện kiểm sát cùng cấp kháng nghị vì vi phạm tố tụng dân sự.
Trên đây là quan điểm của tác giả về vụ án, rất mong nhận được sự góp ý của Quý độc giả và các đồng nghiệp.
XUÂN THOẠI (Chuyên viên pháp lý Công ty Luật TNHH LawKey)
https://tapchitoaan.vn/hoa-giai-tai-toa-an-phai-tuan-thu-theo-nguyen-tac-tham-quyen-theo-lanh-tho10371.html