(TVPLO) – Sở Tư pháp TP.HCM đã đưa ra năm đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với Bộ Tư pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác tư pháp trong năm 2024 cũng như đến hết nhiệm kỳ (2021-2026).
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác tư pháp trong năm 2024 cũng như đến hết nhiệm kỳ (2021-2026), mới đây, Sở Tư pháp TP.HCM đã có 5 đề xuất, kiến nghị cụ thể với Bộ Tư pháp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại một hội nghị của Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: MINH CHUNG
Một là, đề xuất, kiến nghị Bộ Tư pháp xem xét, sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp để phù hợp hơn với tình hình thực tế như: sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng; sửa đổi, bổsung một số quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ (về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại)…
Ngoài ra, Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành quản lý lĩnh vực giám định nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc thành lập Văn phòng giám định tư pháp, việc miễn nhiệm giám định viên tư pháp, quy định nâng cao trách nhiệm của cơ quan giám định, trách nhiệm của giám định viên đối với kết luận giám định.
Hai là, tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ; xem xét, sớm nghiên cứu triển khai phần mềm quản lý hoạt động chứng thực để áp dụng thống nhất giữa các cơ quan thực hiện chứng thực; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền chấn chỉnh việc cơ quan, tổ chức tự đặt yêu cầu nộp bản sao có chứng thực khi thực hiện thủ tục hành chính, việc tự đặt thời hạn có giá trị của bản sao có chứng thực, giấy tờ yêu cầu chứng thực chữ ký.
Ba là, có quy định thống nhất một hình thức đối với việc niêm yết tại UBND cấp xã nơi có bất động sản đấu giá là hình thức tổ chức đấu giá tài sản lập văn bản có xác nhận về việc niêm yết của UBND cấp xã; nghiên cứu tạo cơ chế chủ động cho địa phương (ví dụ: nơi có từ 1.000 tổ chức hành nghề luật sư trở lên) được quyền quyết định việc phân cấp quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư giữa cấp tỉnh và cấp huyện; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ theo hướng phân cấp cho quận, huyện, cơ quan thuế thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm của tổ chức hành nghề luật sư…
Bốn là, đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm, thường xuyên có văn bản hướng dẫn giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc áp dụng quy định pháp luật và giải quyết thực tiễn phát sinh của TP.HCM trong hoạt động nghề nghiệp.
Năm là, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền Trung ương xem xét mở rộng phạm vi các lĩnh vực xã hội hóa theo hướng các lĩnh vực nào xã hội thực hiện được thì giao cho xã hội làm (trừ những lĩnh vực có liên quan đến an ninh chính trị quốc gia).
MINH CHUNG
https://plo.vn/5-de-xuat-kien-nghi-cua-so-tu-phap-tphcm-ve-cong-tac-tu-phap-post775175.html