(TVPLO) – Mới đây, nhiều tổ chức và cá nhân tại tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương đã gửi thư đến Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) nhờ tham vấn pháp lý liên quan đến ATTTGT. Theo đó, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) Chi nhánh số 1 tại Đồng Nai sẽ trả lời cụ thể như sau:
Dưới góc độ pháp lý, ThS. Nguyễn Thành Hưng – Phó giám đốc Trung tâm TTLCC, Giám đốc Chi nhánh số 1 cho biết: Nhiều người khi tham gia giao thông gặp xe được quyền ưu tiên nhưng có hành vi không nhường đường vậy hành vi này có thể bị xử phạt thế nào? Hiện, không có quy định về việc giữ xe khi chưa làm thủ tục sang tên trừ trường hợp lái xe không chứng minh được quyền sở hữu của mình đối với chiếc xe.
Mức xử phạt lỗi ô tô không nhường đường cho xe được quyền ưu tiên
Ảnh minh hoạ
Căn cứ theo khoản 1 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008 những xe sau đây được quy định là xe ưu tiên theo thứ tự: Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; Đoàn xe tang.
Căn cứ theo Luật Giao thông đường bộ 2008, các xe nêu trên (trừ đoàn xe tang) khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Qua đó, khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
Tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau.
Mặt khác, theo điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: Thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 5; điểm a, điểm b khoản 6; khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. Thực hiện hành vi quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng: điểm a, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 1; điểm b, điểm d, điểm g khoản 2; điểm b, điểm g, điểm h, điểm m, điểm n, điểm r, điểm s khoản 3; điểm a, điểm c, điểm e, điểm g, điểm h khoản 4; điểm a, điểm b, điểm e, điểm g, điểm h khoản 5 Điều này…
Trong đó, đối với hành vi cản trở, không nhường đường cho xe ưu tiên đang thực hiện nhiệm vụ sẽ bị áp dụng mức phạt như sau: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng khi gây tai nạn giao thông.
Xe không chính chủ bị CSGT tạm giữ, làm thế nào để lấy xe?
Ảnh minh hoạ
Ô tô, xe máy là một trong các loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Việc xác lập quyền sở hữu tài sản đối với ô tô, xe máy trên cơ sở mua bán, chuyển nhượng, nhận tặng cho, được thừa kế…Để được đứng tên chủ sở hữu ô tô, xe máy thì hồ sơ mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế phải được công chứng hoặc chứng thực.
Trong thời hạn 30 ngày, bên chuyển quyền sở hữu ô tô, xe máy phải làm thủ tục thu hồi đăng ký xe và biển số xe tại cơ quan đăng ký xe. Nếu quá thời hạn này mà không thực hiện thì sẽ bị xử phạt. Mức phạt không làm thủ tục thu hồi giấy đăng ký, biển số theo quy định là từ 800.000 – 2.000.000 đồng đối với xe máy và từ 2.000.000 – 4.000.000 đối với ô tô; tổ chức phạt gấp đôi.
Căn cứ tại khoản 4 điều 6 Thông tư 24 năm 2023 của Bộ Công an, khi chuyển quyền sở hữu ô tô, xe máy thì bên bán phải giữ lại đăng ký xe và biển số xe để nộp cho cơ quan đăng ký xe (công an cấp huyện) khi làm thủ tục thu hồi. Người mua phải làm thủ tục đăng ký xe mới và được cấp biển số (định danh).
Thế nhưng, hiện không có quy định về việc giữ xe khi chưa làm thủ tục sang tên trừ trường hợp lái xe không chứng minh được quyền sở hữu của mình đối với chiếc xe. Do đó, để chứng minh quyền sở hữu của chiếc xe, lái xe cần xuất trình các giấy tờ sau: Hợp đồng chuyển quyền sở hữu chiếc xe (hợp đồng mua bán); Đăng ký xe; Các giấy tờ khác có liên quan.
Trong trường hợp lái xe không xuất trình được các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, xe sẽ bị tạm giữ để điều tra đối với các trường hợp có dấu hiệu của hành vi phạm tội. Đối với trường hợp trên lái xe cần phải xuất trình giấy Đăng ký xe và Hợp đồng chuyển giao quyền sơ hữu xe (hợp đồng mua bán). Trường hợp hợp đồng mua bán xe đã bị thất lạc lái xe phải có trách nhiệm liên hệ với người lập hợp đồng để xác minh việc mua bán xe là hợp pháp. Khi đó mới đủ cơ sở chứng minh lái xe là chủ của xe hiện đang bị CSGT tạm giữ.
Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông là một trong những giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông…Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) sẽ tiếp tục tham mưu Viện IMRIC và Viện IRLIE tăng cường tổ chức hội thảo khoa học ở các địa phương để đẩy mạnh thực hiện PBGDPL về ATGT, đặc biệt là vào các dịp ngày lễ, trước, trong và sau tết Nguyên đán; tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT như: thông qua hệ thống cổng thông tin điện tử của viện, các trang tin điện tử, mạng xã hội, ấnphẩm in, phối hợp tổ chức các cuộc thi pháp luật về an toàn giao thông; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ban ATGT tỉnh tổ chức tập huấn pháp luật về ATGT cho người lao động, người dân, doanh nghiệp thành viên và đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật tại một số địa phương…
Văn Hải – Tuấn Tú (CTV TVVPL thuộc Trung tâm TTLCC)