(TVPLO) – Các đề tài nghiên cứu của các học sinh đã phơi bày những vấn đề có tác động tiêu cực đến tâm lý tuổi học trò…
Sáng 11-1, tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, quận 5, TP.HCM, 60 đề tài nghiên cứu của học sinh trung học đã tham gia vòng tuyển chọn dự án tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2023-2024. Nổi bật trong số này là những đề tài về tác động của gia đình đối với tâm lý của trẻ trong lứa tuổi học sinh.
Ảnh hưởng tâm lý do cha mẹ ly hôn
“Cha mẹ ly hôn và điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của em” – Võ Ngọc Băng Châu, học sinh Trường THPT Lê Thánh Tôn, quận 7, chia sẻ về đề tài của mình.
Đến với cuộc thi, Băng Châu trình bày đề tài “Thực trạng tâm lý và tác động đến học sinh ở gia đình ly hôn tại quận 7, TP.HCM”.
Khi ba tuổi, Băng Châu bất đắc dĩ phải chứng kiến rất nhiều lần cảnh cha mẹ cãi vã. Điều này lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi em lên sáu tuổi thì cha mẹ ly hôn. Nó đã tác động lớn đến tâm lý của em.
“Em khóc rất nhiều, mất ngủ, thậm chí ngất xỉu trên trường” – Băng Châu nói.
Nắm bắt thông tin về tình trạng ly hôn hiện nay đang ở mức cao cũng như từ chính những gì bản thân đã trải qua, Băng Châu đã thực hiện đề tài trên.
Trong tổng số 501 kết quả khảo sát từ học sinh thuộc các trường THPT ở quận 7, có 139 câu trả lời xác nhận đang sống trong gia đình có cha mẹ ly hôn. Trong đó, hơn 53% học sinh được khảo sát đã trải qua việc chứng kiến cha mẹ ly hôn khi đang trong độ tuổi đến trường. Gần 42% gia đình tan vỡ khi các bạn còn quá nhỏ nhưng nó cũng để lại vết thương trong lòng.
Võ Ngọc Băng Châu, học sinh Trường THPT Lê Thánh Tôn, quận 7 (trái), trao đổi đề tài với giáo viên hướng dẫn trước khi cuộc thi diễn ra. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Khảo sát cũng cho thấy việc ly hôn của cha mẹ khiến các em trở nên tự ti, mặc cảm về bản thân. Và phần lớn các em cảm thấy ghen tị về hạnh phúc của người khác, từ đó thu mình lại, ngại chia sẻ và dần hình thành những vấn đề về tâm lý dẫn đến trầm cảm.
Giải pháp cho tình trạng trên, theo Băng Châu, các bậc cha mẹ cần suy nghĩ cẩn trọng hơn về quyết định của mình để tránh ảnh hưởng đến con cái. Phụ huynh cũng hạn chế xung đột trước mặt trẻ. Bên cạnh đó, cần tăng cường các buổi tư vấn tâm lý học đường.
Đặc biệt, Băng Châu còn viết hai cuốn sách để giúp các bạn trong hoàn cảnh tương tự có thể vượt qua. Cuốn Những đứa trẻ với vết xước trong tim kể lại bốn câu chuyện có thật, trong đó đã phơi bày vấn đề nan giải hiện nay là “khi phải sống trong gia đình có cha mẹ ly hôn, các bạn đã bị ảnh hưởng về mặt tâm lý và thể chất như thế nào?”.
Còn cuốn Chân trời hạnh phúc thì đề cập đến khía cạnh tích cực hơn. Theo đó, khi lớn lên, suy nghĩ chững chạc hơn, bản thân sẽ biết đặt vị trí của mình vào người khác để thấu hiểu vì sao cha mẹ lại phải như vậy, từ đó tìm cách đối mặt và đón nhận sự việc một cách nhẹ nhàng.
Nhiều học sinh tự gây tổn thương cho mình
Tại cuộc thi, đề tài “Thực trạng hành vi tự gây tổn thương của HS THPT tại TP.HCM và một số biện pháp ngăn chặn” của nhóm học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1 cũng gây chú ý.
“Do áp lực chuyện học nên trong lớp em có bạn tự đánh, tự làm đau mình bằng cách rạch tay để giải tỏa cảm xúc” – Nguyễn Thảo My, học sinh lớp 12 của trường, nêu lý do thực hiện đề tài.
Thảo My cho biết qua khảo sát 450 học sinh THPT thì có đến 57 bạn đã có hành vi tự gây tổn thương như tự đánh, rạch tay, cắn, cấu xé bản thân…
“Mức độ nhận thức thấp về hành vi tự gây tổn thương của học sinh là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hành vi này. Bên cạnh đó, môi trường gia đình với những rạn nứt, đổ vỡ, cách giáo dục và giao tiếp chưa phù hợp giữa cha mẹ và con cái cũng tác động. Ngoài ra, áp lực học tập và những mối quan hệ bạn bè không lành mạnh cũng góp phần dẫn đến những hành vi tự gây tổn thương” – Thảo My nói thêm.
Nhóm nghiên cứu đề tài “Thực trạng hành vi tự gây tổn thương của học sinh THPT tại TP.HCM và một số biện pháp ngăn chặn”. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Từ thực tế trên, học sinh Trần Nguyên Thế Quỳnh, thành viên nhóm nghiên cứu, đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết. Cụ thể, nhóm đã tạo ra trang Facebook “Heal Yourself” với mong muốn chia sẻ thông tin về hành vi tự gây tổn thương.
Bên cạnh đó, nhóm phối hợp với Câu lạc bộ nhiếp ảnh Flash của trường thực hiện bộ ảnh về chủ đề hành vi tự gây tổn thương. Đặc biệt, nhóm còn phối hợp với Câu lạc bộ tâm lý học đường tổ chức các hoạt động nâng đỡ cảm xúc như hộp thư yêu thương, hoạt động giải tỏa cảm xúc hay hoạt động check-in cảm xúc.
Năm nay, số lượng đề tài dự thi cấp TP giảm so với năm ngoái nhưng chất lượng tốt hơn. Cuộc thi được tổ chức để tạo nên sân chơi bổ ích, qua đó phát huy năng lực, phẩm chất của người học. Ông NGUYỄN BẢO QUỐC, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM
Có nhiều điểm mới
Vòng thi cấp TP triển khai hai hình thức chấm điểm, qua xét hồ sơ và phỏng vấn trực tiếp. Cách thức này giúp ban giám khảo tiếp cận ngay từ đầu tất cả hồ sơ dự thi của vòng thi cấp TP. Việc trao đổi trực tiếp với tác giả thể hiện rõ ý tưởng, cách thức nghiên cứu, tính mới của các dự án, từ đó kết quả chấm điểm chính xác hơn.
Kết quả vòng thi cấp TP được thẩm định từ các giáo viên có chuyên môn, các chuyên gia trong các lĩnh vực nghiên cứu.
Từ 60 dự án tham dự, ban tổ chức sẽ chọn ra bốn đề tài xuất sắc nhất để tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.
NGUYỄN QUYÊN
https://plo.vn/khi-hoc-sinh-tu-nghien-cuu-va-tim-loi-thoat-cho-minh-post771414.html