(TVPLO) – Mới đây, ngày 17/11/2023, bên lề toạ đàm khoa học “Pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm” diễn ra tại Cà Mau. Thường trực Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật (IRLIE) đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ Bùi Đặng Dũng – nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội xoay quanh chủ đề tặng trưởng kinh tế cả lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ…Theo đó, TS. Bùi Đặng Dũng, nhấn mạnh; “Để đạt được mục tiêu tăng trưởng thì phải tập trung đầu tư vào một trong những mũi nhọn của nền kinh tế, đó là khu công nghiệp (KCN)”.
TS. Bùi Đặng Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tại toạ đàm “Pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm”
TS. Bùi Đặng Dũng thông tin cả nước hiện có 407 KCN, chưa kể 44 khu kinh tế thu hút 21 ngàn dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký 340 tỷ USD, hàng năm đóng góp vào ngân sách nhà nước 11,7%, giải quyết 8,3% tổng số lao động với 3,9 triệu người làm việc trực tiếp, không kể hàng triệu lao động gián tiếp thì không tập trung đầu tư vào KCN thì đầu tư vào đâu.
Theo tìm hiểu của các chuyên gia kinh tế Viện IMRIC và Viện IRLIE cho thấy, tỷ suất vốn đầu tư/ha đất trong KCN có xu hướng tăng, hiện đạt trên dưới 26 tỷ đồng/ha. Chỉ tiêu tạo việc làm, năng suất lao động của dự án trong KCN đều cao hơn dự án nằm ngoài KCN, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố số liệu.
Tương tự, ngành thuế vừa cho biết, trong số 1.000 doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách nhà nước nhiều nhất hàng năm thì doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN chiếm trên 20%. Ngân sách nhiều địa phương là “cứ điểm” của ngành công nghiệp như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hải Phòng, Đồng Nai, Bắc Ninh, Thái Nguyên… có sự đóng góp rất lớn của doanh nghiệp trong KCN với tỷ trọng đóng góp trên 60% tổng thu ngân sách địa phương.
Theo TS. Bùi Đặng Dũng khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 38,63% vào GDP, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp với tỷ trọng lớn nhất. Ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thì khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang đóng vai trò là đầu tàu dẫn dắt. Trong những năm gần đây, khu vực đầu tư nước ngoài đầu tư 35-40% tổng nguồn vốn vào KCN thì riêng ngành chế biến, chế tạo chiếm 70-80%. Vốn đầu tư thực hiện trong KCN bằng khoảng 1/3 tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội; hiệu quả đầu tư cũng vốn/mỗi héc-ta đất trong KCN cũng cao hơn rất nhiều so với các dự án ngoài khu công nghiệp. Như vậy, KCN đã và ngày càng đóng vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế. Nếu muốn GDP tăng trưởng cao, ở mức 6,0%-6,5% thì buộc phải đầu tư phát triển KCN.
Theo TS. Bùi Đặng Dũng thông tin chúng ta đã từng thu hút đầu tư nước ngoài bằng nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, chi phí lao động thấp cùng với ưu đãi về giá thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp hấp dẫn…Tuy nhiên, những lợi thế này đang mất dần, vì lương tối thiểu vùng tăng dần từng năm, thuế thu nhập doanh nghiệp không thể thấp hơn thuế tối thiểu toàn cầu được thực hiện từ năm 2024 (thuế suất tối thiểu 15%); giá thuê đất phải dần tiệm cận giá thị trường theo tinh thần Luật Đất đai sửa đổi; tài nguyên thiên nhiên của chúng ta phong phú, đa dạng, nhưng nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu vẫn phải nhập khẩu. Các lợi thế đã cạn dần, nếu không có cơ chế, chính sách ưu đãi khác thì làm sao phát triển được KCN.
TS. Bùi Đặng Dũng chia sẻ bên lề toạ đàm “Pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm” do Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) tổ chức dưới sự chủ trì của Viện IMRIC và Viện IRLIE, Viện L.I.P.S phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau
Cũng theo TS. Bùi Đặng Dũng cho biết xu hướng chung của thế giới là sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường, với mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0. Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 diễn ra ở Glasgow (Scotland), Việt Nam cùng nhiều nước trên thế giới đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Chưa cần thực hiện ưu đãi bằng các cơ chế khác, chỉ đưa ra các ưu tiên, ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường, thì gần như đương nhiên, doanh nghiệp trong KCN đã được hưởng. Bởi các cơ sở sản xuất tập trung trong KCN, khu kinh tế nên công tác bảo vệ môi trường được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt xử lý nước thải, chất thải rắn.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho thấy, hiện có 91% KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng nhu cầu và tiêu chuẩn xả thải, xử lý đối với chất thải rắn nguy hại. Như vậy, chỉ cần lấy tiêu chí bảo vệ môi trường để thực hiện các ưu tiên, ưu đãi, không phân biệt doanh nghiệp hoạt động ở đâu, thì doanh nghiệp trong KCN đã có rất nhiều lợi thế. Ngoài ưu đãi này, doanh nghiệp trong KCN còn cần các ưu đãi khác, nhưng vẫn bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, TS. Dũng cho hay.
Đồng thời, khung pháp lý điều chỉnh hoạt động KCN mới dừng ở cấp nghị định, trong khi hoạt động của KCN liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như quy hoạch, đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, lao động… Cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở, công trình thể thao, văn hóa, cơ sở giáo dục mầm non phục vụ người lao động trong KCN chưa đủ hấp dẫn, gây không ít khó khăn trong quá trình thực thi chính sách, nhất là việc phát triển mô hình mới, TS. Dũng chia sẻ thêm.
TS. Bùi Đặng Dũng chụp ảnh lưu niệm cùng Thường trực Viện IMRIC, Viện IRLIE và BGĐ Trung tâm TTLCC
Tin rằng, sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam hiện tại và trong tương lai chưa thể trông đợi vào khu vực dịch vụ…Trong đó, có tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ chất lượng cao. Ngoàira, ở khu vực nông nghiệp chỉ là bệ đỡ của nền kinh tế, nên muốn phát triển thì phải tập trung phát triển công nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là đầu tàu và KCN là động lực để phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Vì lẻ đó, cần phải xây dựng một luật riêng điều chỉnh hoạt động của KCN, khu kinh tế và cả cụm công nghiệp.
Hoàng Quý