(TVPLO) – Ngày 3/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1299/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 – 2025”. Theo đó, 100% trường học phải xây dựng Bộ Quy tắc văn hóa ứng xử, quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử của các chủ thể trong nhà trường thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử…Mục tiêu của Đề án là tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
Tuy nhiên, với thực trạng sinh viên nói tục, đánh nhau, vô lễ với thầy cô…, còn giáo viên thì ứng xử vượt quá chuẩn mực sư phạm. Bà Trần Thị Liên – Phó Chánh Văn phòng Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE), nhấn mạnh: “Những năm gần đây, chúng ta phải đối mặt vơi nhiều biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức lối sống trên bình diện nói chung và trong môi trường học đường nói riêng. Tình trạng sinh viên nói tục, chửi thề, cãi vã, đánh nhau ở trong lẫn ngoài trường học xảy ra không hiếm. Không chỉ vậy, có em còn vô lễ, thiếu tôn trọng thầy cô cả ở ngoài đời lẫn trên mạng xã hội. Ngược lại, có giáo viên vượt quá chuẩn mực sư phạm… Dường như văn hoá ứng xử học đường trong thời gian qua tại các cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, có nơi còn xem nhẹ do nhà trường chỉ tập trung vào dạy kiến thức mà quên đi dạy nhân cách sống cho học sinh, sinh viên”.
Văn hóa học đường là nền tảng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, vì sự phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế. Có thể thấy, mối lo ngại về văn hóa ứng xử của nhà giáo lại “nóng” lên khi đây không phải lần đầu xảy ra, đòi hỏi cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong việc xử lý để ngăn chặn các sự việc, hành vi tương tự, xây dựng môi trường học tập tôn trọng và an toàn hơn cho học sinh.
Thầy giáo chỉ tay vào mặt học sinh xưng mày – tao tại Trường THPT Phan Huy Chú – Thạch Thất. Ảnh cắt từ clip
Những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do tác động của môi trường hội nhập quốc tế, mặt trái của nền kinh tế thị trường, do thiếu sự giáo dục của gia đình, thiếu sự gương mẫu của cha mẹ… Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân chủ quan xuất phát từ phía các trường. Vẫn còn một số cán bộ, nhàgiáo thiếu kiềm chế cảm xúc cá nhân dẫn đến hành vi xúc phạm thể chất, tinh thần học sinh, sinh viên, chưa đúng mực trong ứng xử với đồng nghiệp, với phụ huynh, với người học…Năm học 2023-2024, bên cạnh vấn đề thu – chi, ngành Giáo dục Hà Nội đối diện với sự bức xúc không nhỏ từ dư luận xã hội khi chỉ trong chưa đầy một tuần, tại hai trường học của thành phố xảy ra sự việc nhà giáo có hành vi, lời nói chưa chuẩn mực với học sinh.
Cụ thể, tối ngày 01/10/2023, dư luận thật sự xôn xao khi trên mạng xã hội xuất hiện clip với tựa đề “Thầy giáo lại ứng xử không giống thầy giáo”. Trong clip, một thầy giáo đứng trên bục giảng, xưng “mày – tao”, chỉ tay vào mặt và mắng một học sinh nam với nhiều từ ngữ không chuẩn mực. Sự việc xảy ra trong giờ học tiếng Anh tại Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú – Thạch Thất (huyện Thạch Thất).
Bà Trần Thị Liên cho rằng văn hóa ứng xử giữa giáo viên với giáo viên cũng có nhiều chuyện đáng bàn, ứng xử tình thầy trò cũng đang là một dấu hỏi lớn, rồi cả ứng xử giữa phụ huynh học sinh với thầy cô giáo cũng không còn nguyên vẹn như trước. Thực trạng đáng buồn về văn hóa ứng xử trong học đường, bên cạnh các nguyên nhân khách quan như tác động của quá trình hội nhập quốc tế, mặt trái của kinh tế thị trường, sự bùng nổ của công nghệ thông tin… còn có nguyên nhân chủ quan xuất phát cả từ phía nhà trường và phụ huynh. Dưới góc độ công tác của viện khoa học, Bà Liên rất lo lắng nếu môi trường học tập của các con còn tồn tại hoặc còn có nguy cơ xảy ra các sự việc, hành vi tương tự. Với những lời nói, hành vi của nhà giáo ảnh hưởng rất lớn đến học sinh. Theo đó, vấn đề xây dựng văn hóa học đường để bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hạnh phúc như chủ trương của toàn ngành một lần nữa “nóng” lên.
Trong khi đó, vào ngày 01/06/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg “về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường”. Thế nhưng, hiệu quả triển khai vẫn chưa được như mong muốn, vẫn có những sự việc đáng tiếc xảy ra gây bức xúc dư luận, để lại bài học đắt giá về sự ứng xử của nhà giáo nói riêng, việc xây dựng văn hóa học đường nói chung.
Dẫu biết rằng, các sự việc nêu trên sẽ bị xử lý nghiêm khắc, đúng quy định để bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, thân thiện cho học sinh; đồng thời triển khai giải pháp ngăn chặn các hành vi tương tự. Theo bà Trần Thị Liên với những vụ việc đáng tiếc vừa xảy ra, sai lầm của giáo viên phần nào đã rõ và phải nhận trách nhiệm trước nhà trường, cơ quan chức năng. Tuy nhiên, điều cần quan tâm hơn là những tổn thương mà học sinh phải gánh chịu. Chắc rằng bên cạnh việc thăm hỏi, động viên, nhà trường cần cử giáo viên thường xuyên sẻ chia, quan tâm, giúp các em lấy lại cân bằng và giảm thiểu tổn thương về sức khỏe tinh thần.
Hiện nay, trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, môi trường học đường chịu tác động đa chiều từ xã hội, mối quan hệ giữa nhà giáo với học sinh ngày càng bình đẳng hơn, việc bảo đảm an toàn trường học cũng như xây dựng, duy trì văn hóa học đường là khó khăn không nhỏ. Cần lắm phát huy tinh thần lấy “xây” để “chống”, các nhà trường đã, đang kiên trì, bền bỉ triển khai nhiều nội dung nhằm xây dựng văn hóa học đường an toàn, thân thiện, hạnh phúc.
Với vai trò nhịp cầu nối trong công tác nghiên cứu và phản biện khoa học và đào tạp nâng cao nghiệp vụ, Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) và Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) sẽ tổ chức các chuyên đề về công tác truyền thông giáo dục, truyền thông pháp lý nhằm giúp giáo viên hiểu, thực hiện nghiêm túc Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành giáo dục, nhận thức rõ những việc được và không được phép làm.
Bà Trần Thị Liên khuyến nghị muốn làm được điều này, chúng ta phải khắc phục bằng được tình trạng trong môi trường giáo dục, để các thầy cô giáo phải chịu nhiều áp lực, trong đó một áp lực không nhỏ đến từ chính phụ huynh và xã hội. Sự dân chủ trong giáo dục là cần thiết, nhưng đôi khi nếu thái quá trong môi trường học đường, sẽ dẫn đến hiệu ứng dư luận. Đơn cử, chỉ cần một hành động nhỏ thôi của thầy cô bị trò phản ứng, lập tức những thông tin ấy tràn lan mạng xã hội hoặc trên báo chí.
Tin rằng, sự liên kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội cần được gắn chặt, bởi chỉ cần lỏng lẻo ở một khâu bất kỳ thì cả mắt xích ấy có nguy cơ đứt gẫy bất cứ lúc nào. Có như vậy môi trường giáo dục sẽ trở nên nhân văn hơn, để mỗi ngày đến trường với thầy và trò thực sự “là một ngày vui”./.
Thuỳ Duyên