(TVPLO) – Trong những ngày qua, các doanh nghiệp thành viên và người dân đã gửi thư về Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) và Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) nêu một số thắc mắc, như: Công an xã có được dừng xe, xử phạt giao thông như CSGT hoặc quy định pháp luật thì có thể làm thủ tục thay đổi thông tin trên Giấy khai sinh tại nơi đăng ký khai sinh hoặc nơi cư trú (là nơi thường trú hoặc tạm trú). Đồng thời, có thể lập di chúc về tài sản thuộc dự án hình thành trong tương lai hiện đang xây dựng được không?. Dưới góc độ pháp lý, Viện IMRIC, Viện IRLIE và Trung tâm TTLCC sẽ giải đáp các vấn đề nêu trên…
Công an xã có được dừng xe, xử phạt giao thông như CSGT
Theo Thông tư 32/2023 của Bộ Công an (quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT), kể từ ngày15/09/2023 – công an xã cũng có quyền được xử lý vi phạm giao thông trong một số trường hợp theo luật định.
Cụ thể, Điều 33 Thông tư 32/2023 nêu trường hợp không có lực lượng CSGT đi cùng, công an xã thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành và báo cáo tình hình, kết quả hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cho lực lượng CSGT. Theo đó, công an xã chỉ được tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường xã và đường khác thuộc địa bàn xã quản lý.
Khi phát hiện người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe thô sơ có các hành vi vi phạm pháp luật như: Không đội mũ bảo hiểm theo quy định; chở quá số người quy định; chở hàng hóa cồng kềnh, quá kích thước giới hạn quy định; dừng, đỗ xe không đúng quy định; phóng nhanh, lạng lách, đánh võng; không có gương chiếu hậu ở bên trái; sử dụng ô (dù); chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện theo quy định hoặc phát hiện phương tiện giao thông vi phạm nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông, an ninh, trật tự xã hội nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, thì được xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình giải quyết, xử lý vụ việc của các hành vi vi phạm nêu trên, nếu phát hiện hành vi vi phạm khác thì được xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền xử phạt thì lập biên bản vi phạm hành chính và báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông, tiến hành kiểm soát, xử lý vi phạm thực hiện theo quy định của Thông tư 32/2023.
Có thể làm thủ tục thay đổi thông tin trên Giấy khai sinh tại nơi đăng ký khai sinh hoặc nơi cư trú
Theo khoản 3 Điều 46 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định thẩm quyền đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc: “Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc”.
Khoản 1 Điều 11 Luật Cư trú năm 2020 quy định: “Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú”. Khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú năm 2020 quy định: “Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú”.
Theo Khoản 3 Điều 46 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định thẩm quyền đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc: “Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc”.
Lập di chúc với tài sản hình thành trong tương lai được không?
Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”. Theo đó, người được thừa kế sẽ được chia các tài sản từ người chết để lại, bao gồm: Tài sản riêng của người đã chết; Phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Do vậy, tài sản hình thành trong tương lai cũng được xem là một loại tài sản của di sản thừa kế.
Căn cứ Điều 118 Luật Nhà ở năm 2014 thì điều kiện của nhà ở hình thành trong tương lai được phép thừa kế như sau: Giao dịch về mua bán, cho thuê mua, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn bằng nhà ở thì nhà ở phải có đủ điều kiện sau đây: Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn; Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền …”
Theo Điều 119 Luật Nhà ở năm 2014 quy định về điều kiện của các bên tham gia giao dịch về nhà ở thì đối với các bên thừa kế nhà ở hình thành trong tương lai phải đảm bảo các điều kiện sau: Đối với người để thừa kế nhà ở hình thành trong tương lai: Là người đã mua nhà ở của chủ đầu tư; có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự…;Bên nhận thừa kế: Phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện các giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự; không bắt buộc phải có đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch…Theo đó, đối với trường hợp này, tài sản đang xây dựng được xem là tài sản. Vì lẻ đó, có thể lập di chúc về việc để lại tìa sản đó nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên.
Với vai trò là nhịp cầu nối, Viện IMRIC và Viện IRLIE, Trung tâm TTLCC luôn sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nghiệp thành viên và người dân. Tin rằng, chúng tôi tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và từ đó sẽ giải đáp một số thắc mắc, tham vấn pháp lý và hoạch định chiến lược truyền thông pháp luật, xây dựng thương hiệu…
Văn Hải – Công Danh