(TVPLO) – Việc giữ tỷ giá biến động trong phạm vi phù hợp sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực và giữ tính cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Cùng với đó là quyết tâm tháo gỡ các vướng mắc về khâu thủ tục, ban hành mới hoặc kéo dài các chính sách tiền tệ, chính sách thuế, phí, lệ phí… được kỳ vọng sẽ giúp tăng thêm động lực phục hồi cho các doanh nghiệp trong các tháng cuối năm với một tâm thế ổn định hơn.
Đồng USD đã phục hồi trở lại trong phiên giao dịch ngày 21/9. Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 19 đồng, lên 24.079 VND/USD.
Giữ tỷ giá biến động phù hợp, kỳ vọng lãi suất giảm sâu
Như lưu ý mới đây từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VnDirect, tỷ giá tăng mang đến những tác động trái chiều cho nền kinh tế. Đáng chú ý, tỷ giá tăng sẽ làm tăng nghĩa vụ nợ (đặc biệt là đối với khu vực tư nhân), đồng thời làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và hàng tiêu dùng nhập khẩu, từ đó gia tăng áp lực lên lạm phát trong nước.
Đơn hàng xuất khẩu nông sản và hàng hóa công nghiệp của Việt Nam có khả năng phục hồi đáng kể từ quý 4/2023.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, khi áp lực từ tỷ giá càng lớn thì càng ít dư địa cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành. Việc giữ tỷ giá biến động trong phạm vi phù hợp (dưới 3%) sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực và giữ tính cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam.
Ngoài vấn đề tỷ giá, phía VnDirect vẫn kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc hồi phục trong những tháng tới. Trong đó phải kể đến các yếu tố hỗ trợ chính như việc Chính phủ thực hiện mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng. Lãi suất cho vay thấp hơn giúp kích thích tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Đơn hàng XK nông sản và hàng hóa công nghiệp của Việt Nam có khả năng phục hồi đáng kể từ quý 4/2023.
Tuy vậy, vẫn phải lường trước các rủi ro là lạm phát toàn cầu cao hơn dự kiến, Chỉ số DXY (thước đo giá trị của đồng USD so với 6 loại tiền tệ mạnh khác) mạnh hơn dự kiến có thể gây thêm áp lực lên tỷ giá VND/USD. Tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến của các đối tác thương mại lớn ảnh hưởng đến XK của Việt Nam.
Còn theo cập nhật vào trung tuần tháng 9/2023 từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán DSC, hoạt động của doanh nghiệp (DN) chưa thể hồi phục ngay trong quý 3/2023, nhưng đã có sự ổn định và sẽ bắt đầu phục hồi từ nay cho đến hết quý 4/2023.
Tuy nhiên, ngân hàng gặp khó trong việc giải ngân vốn khi khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế vẫn còn yếu. Tăng trưởng tín dụng vẫn rất yếu so với cùng kỳ năm trước (từ 9,62% tại tháng 8/2022 xuống 5,2% vào tháng 8/2023, cách xa mục tiêu 14% cho cả năm 2023).
Giới phân tích kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm sâu hơn (giảm thêm 100-150 điểm cơ bản) trong những tháng cuối năm 2023 và đây sẽ là động lực chính cho sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm trong những tháng tới do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ việc Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất điều hành trong 6 tháng đầu năm 2023 và ban hành Thông tư 02 cho phép gia hạn trích lập dự phòng nợ xấu.
Quyết tâm tháo gỡ các vướng mắc
Bên cạnh các vấn đề tỷ giá, lãi suất, ở góc độ DN, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (Vasep) mới đây đã kiến nghị Bộ Tài chính về áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập DN (TNDN).
Theo đó, cần sửa đổi điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa ngân hàng và DN vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp DN không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế TNDN.
Ngoài ra, Vasep còn đề xuất sửa đổi quy định các đối tượng không thuộc phạm vi áp trần chi phí lãi vay tại điểm c, khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP như tổ chức tín dụng, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán,… để các DN sản xuất không phải chịu áp mức trần của tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Điều đáng mừng là những kiến nghị, đề xuất này đã được Bộ Tài chính ghi nhận và cho biết đang thực hiện rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 132/NĐ-CP, sẽ tổng hợp vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các hiệp hội, các DN để nghiên cứu, đánh giá và báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2020NĐ-CP trong thời gian tới.
Không chỉ vậy, Vasep kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ XK, kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí cho đến hết năm 2023.
Và mới đây, Bộ Tài chính trả lời là đã nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, trong đó có quy định về gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt) và tiền thuê đất.
Có thể thấy sự cầu thị của ngành tài chính là rất đáng khích lệ để góp phần giải quyết những khó khăn của DN khi bước vào các tháng cuối năm. Bên cạnh đó, theo dự kiến vào quý 4/2023 sẽ có các cuộc đối thoại giữa các cơ quan thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng DN để lắng nghe, nhận diện các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Tin rằng với quyết tâm tháo gỡ các vướng mắc về khâu thủ tục, cũng như việc ban hành mới hoặc kéo dài các chính sách tiền tệ, chính sách thuế, phí, lệ phí… sẽ giúp tăng thêm động lực phục hồi của các DN trong các tháng cuối năm với một tâm thế ổn định.
Thế Vinh
https://vnbusiness.vn/viet-nam/tao-tam-the-on-dinh-cho-doanh-nghiep-phuc-hoi-trong-cac-thang-cuoi-nam-1095494.html