(TVPLO) – Trước sự phát triển của cuộc CMCN 4.0, Việt Nam đã có hàng trăm triệu tài khoản mạng xã hội đang hoạt động. Mọi hoạt động ở đời thực đều hiện hữu trên không gian mạng. Do đó, đã đến lúc cần định danh tài khoản mạng xã hội, tức là ghi rõ họ tên người dùng, đang trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, khi Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội, gồm cả mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Youtube, Tik tok phải định danh.
Sử dụng không gian mạng là nhu cầu không thể thiếu của mỗi người đã và trở thành xu hướng của thời đại vì vậy cần định danh để gắn trách nhiệm pháp lý của người dùng – Ảnh minh họa: Internet
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, để ngăn chặn các vấn nạn xuất phát từ các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo… Bộ hoàn toàn có thể chặn hoặc xóa bỏ những tài khoản này dù có là của mạng xã hội trong nước hay quốc tế. Tuy nhiên nếu thực hiện sẽ làm mất đi dấu vết, chứng cứ, gây khó khăn cho việc củng cố chứng cứ, đấu tranh của các lực lượng khác. Đồng thời, Bộ TT&TT vẫn phối hợp với cơ quan điều tra khi cần xác thực tài khoản trên mạng nhưng thực tế có trường hợp xác định được và có trường hợp không thể tìm ra người dùng nào đứng sau. Do đó việc định danh người dùng qua mạng xã hội là rất cần thiết.
Một trong những nguyên nhân chính khiến các vấn nạn như lừa đảo, xúc phạm cá nhân… đang hoành hành trên mạng được cho là bắt nguồn từ việc người dùng có thể ẩn danh khi tham gia không gian mạng. Việc gắn liền số điện thoại của mỗi người với tài khoản mạng xã hội được cho là giải pháp giúp giảm thiểu đáng kể những nguy cơ như trên. Dưới góc nhìn chuyên gia, Thạc sỹ Mãi Thanh Hải – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), nhấn mạnh: “Việc ẩn danh luôn tạo ra xu hướng họ sẽ hành xử ít chịu trách nhiệm, trong rất nhiều trường hợp. Qua đó, các hành vi bắt nạt, lừa đảo hay tội phạm trên mạng cũng được khuyến khích từ việc này. Sự ẩn chứa trong đó nguy cơ đẩy người ta đến hành vi, cách hành xử vượt quá các giới hạn”.
Điển hình, vào tháng 7/2023 mới đây, Công an TP Hà Nội đã phát đi cảnh báo về tình trạng lừa đảo người dùng thông qua các mạng xã hội đang có xu hướng gia tăng về số vụ cũng như tinh vi và táo tợn hơn về thủ đoạn. Trong đó, những kẻ lừa đảo còn ngang nhiên sử dụng tài khoản giả mạo cơ quan chức năng như Cục An ninh mạng hay Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để khiến nạn nhân mắc bẫy dễ dàng hơn.
Theo Ông Mai Thanh Hải cho biết ở các nước trên thế giới như Trung Quốc đã nghiên cứu từ năm 2009, các cổng tin tức lớn ở Trung Quốc như Sina hay Sohu… đã yêu cầu người dùng mới phải cung cấp tên thật và mã số định danh. Các công ty mạng xã hội của nước này sau đó cũng có yêu cầu tương tự. Người dùng trên mọi nền tảng mạng xã hội trong nước đều phải đăng ký bằng danh tính thật, gồm tên tuổi, số thẻ căn cước và số điện thoại di động. Yêu cầu đăng ký bằng tên thật là nghĩa vụ pháp lý không chỉ với nhà cung cấp dịch vụ mà còn với cả người tham gia mạng xã hội. Việt Nam hiện đang có hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia, đang triển khai xác thực định danh điện tử. Nếu đồng bộ hóa dữ liệu này với dữ liệu người dùng mạng xã hội thì mỗi hành vi, phát ngôn của người dùng đều gắn chặt với trách nhiệm pháp lý của họ. Khi đó, các phát ngôn lệch chuẩn, tiêu cực, những hành vi phản văn hóa trên không gian mạng có thể được khống chế và giảm thiểu.
Ông Hải cho rằng với sự tiện ích và đặc tính không biên giới, không gian mạng có phạm vi ảnh hưởng toàn cầu, đã và đang tác động đến từng người sử dụng. Ngoài ra, những nguy cơ từ không gian mạng gia tăng tỷ lệ thuận với sự phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống xã hội. Mặt khác, để phát huy vai trò tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của mạng xã hội đòi hỏi sớm thực thi chính sách, pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước, sự sáng tạo, tự chủ trong sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên không gian mạng đến ý thức tham gia xây dựng một không gian mạng an toàn, lành mạnh của mỗi chủ thể sử dụng. Cùng với đó, mạng xã hội là một dịch vụ liên kết những tài khoản cá nhân trên không gian internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau. Sự kết nối giữa các thành viên được thực hiện thông qua các thông tin về cá nhân, bạn bè, đối tác hoặc cũng có thể thông qua một nhóm có chung đặc điểm về sở thích, nghề nghiệp, lĩnh vực quan tâm. Có thể thấy, khởi nguồn mạng xã hội là một mạng lưới hình thành không phân biệt không gian và thời gian của những cá nhân để bày tỏ những nhận xét, cảm xúc, kinh nghiệm sống, riêng tư…
Tuy nhiên, hiện người dùng mạng xã hội đang phải đối mặt với vô vàn nguy cơ như thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật, vu khống, bôi nhọ danh dự, bắt nạt qua mạng, lừa đảo… Sự tổn thất không chỉ là tiền mà còn là danh dự, tinh thần của nạn nhân. Ông Hải khuyến nghị vấn nạn này đến từ việc kẻ gian hoàn toàn có thể “ẩn danh” trên môi trường mạng. Với suy nghĩ hành vi phạm pháp của mình sẽ không bị phát hiện khiến những đối tượng này ngày càng táo tợn hơn khi thực hiện lừa đảo, bôi nhọ nạn nhân. Không thể phủ nhận, mỗi chủ thể dùng Internet và mạng xã hội giúp dễ dàng nắm bắt được các thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau, với tốc độ nhanh chóng, vượt ra ngoài những giới hạn về địa lý và thời gian. Việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân trong việc nâng cao kiến thức, tiếp cận các tri thức mới, chia sẻ tình cảm, phản ánh các vấn đề mình quan tâm, thể hiện quan điểm và năng lực cá nhân, phục vụ nhu cầu giải trí, kết nối với nhau, đồng thời tham gia giám sát xã hội tích cực. Vì lẻ đó, đã góp phần quan trọng vào việc phát huy quyền làm chủ của người dân, phát huy các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…
Theo đó, các mạng xã hội trong nước cũng như dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Youtube…cần thực hiện xác thực tài khoản người dùng với số điện thoại di động khi đăng ký tài khoản. Song song đó, cần thực hiện việc lưu trữ thông tin cá nhân của người dùng (bao gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, thư điện tử (email), số điện thoại di động tại Việt Nam) cũng như cung cấp thông tin này cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ công tác điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Theo Ông Hải, Luật An ninh mạng đã có quy định các DN trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm “Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số” và “cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng”.
Tuy nhiên, do chưa có quy định hướng dẫn Luật An ninh mạng về nội dung này nên các tổ chức, DN cung cấp mạng xã hội trong và ngoài nước chưa thể triển khai quy định. Thế nhưng, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng. Vì vậy, cần thiết phải bổ sung quy định mạng xã hội trong nước và ngoài nước cung cấp xuyên biên giới phải xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động tại Việt Nam khi đăng ký thiết lập tài khoản mạng xã hội.
Quy định mới hứa hẹn giúp bảo đảm hiệu quả quản lý, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dùng mạng xã hội khi đăng tải nội dung thông tin lên mạng. Quy định này có tính khả thi khi hiện nay đa phần các mạng xã hội trong và ngoài nước đều đã yêu cầu xác thực bằng số điện thoại người dùng. Việc bổ sung quy định mới sẽ cụ thể hóa hình thức này và tạo sự đồng bộ trong việc xác thực người dùng đối với cả mạng xã hội trong và ngoài nước. Ông Hải cũng cho rằng, rất cần thiết định danh ngừoi dùng trên không gian mạng xã hội nhằm xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, trong sạch và văn minh. Vì nhu cầu sử dụng mạng trực tuyến của người dùng trong nước đã dịch chuyển lên trực tuyến là rất lớn, từ việc mua sắm hàng hóa, thanh toán các dịch vụ hay thậm chí là trao đổi công việc, trò chuyện cá nhân. Khi đó việc xác thực một cá nhân trên không gian số là yêu cầu không thể thiếu. Đặc biệt, Việt Nam đã cán mốc dân số 100 triệu người mà dân số lại trẻ nên đang được bao quanh bởi công nghệ kỹ thuật số. Cuộc sống, học tập và sinh hoạt hàng ngày của giới trẻ đều có ảnh hưởng bởi việc sử dụng mạng xã hội, điện thoại thông minh, máy tính bảng và Internet. Dườngnhư giới trẻ bắt đầu tương tác với công nghệ kỹ thuật số ngay từ khi mới biết đi, thậm chí với không ít trường hợp còn là sớm hơn, và cuộc sống trưởng thành của chúng chắc chắn sẽ được gắn kết chặt chẽ và mật thiết với công nghệ kỹ thuật số.
Do vậy, việc định danh tài khoản số còn giúp các chế tài pháp luật hiện có được áp dụng bình đẳng, không phân biệt đời thực hay trên mạng. Với quy định này cũng có thể xem như tấm lá chắn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và nâng cao nhận thức của người dùng khi tham gia vào không gian mạng. Theo ông Hải, việc thực hiện yêu cầu bắt buộc trên đối với các nền tảng xuyên biên giới sẽ gặp nhiều thách thức. Lý do là bởi các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube… phục vụ cho người dùng trên toàn cầu nên các quy định pháp luật của Việt Nam cần lưu ý đến sự phù hợp với các thông lệ quốc tế, hiệp ước đa phương, song phương mà nước ta đã tham gia. Có một số mạng xã hội lại đang cho phép định danh thông qua tài khoản của một dịch vụ khác như đăng ký Facebook qua email Google hoặc xác thực số điện thoại mà không cần xác định chính chủ hay không. Nên việc định danh cần thực hiện đồng bộ, xuyên suốt các dịch vụ trực tuyến có liên quan, nếu không thực hiện được sẽ không đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Về phía người dùng, việc định danh cũng là nhu cầu tương đối lớn, hiện có nhiều dịch vụ trên mạng được thiết kế để dành riêng cho sở thích này. Thậm chí, thông qua công cụ thay đổi vị trí, người dùng hoàn toàn có thể đăng ký tài khoản mạng xã hội ở quốc gia khác không yêu cầu chặt chẽ về việc xác định danh tính, sau đó quay lại sử dụng tại Việt Nam. Do đó việc xóa bỏ tính ẩn danh trên các nền tảng trực tuyến đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía cơ quan quản lý, nhà cung cấp dịch vụ cũng như từ chính người dùng, ông Hải nói thêm.
Cũng theo Ông Hải phân tích mỗi chủ thể dùng mạng xã hội cần nghiên cứu, hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, nội dung của Luật An ninh mạng, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Theo đó, Luật An ninh mạng nhằm bảo vệ người dùng hợp pháp trên không gian mạng; phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, chống Nhà nước, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động biểu tình, phá rối của các thế lực phản động. Phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả của các đợt tấn công mạng, khủng bố mạng và phòng, chống nguy cơ chiến tranh mạng.
Luật An ninh mạng quy định rõ những hành vi bị cấm như: sử dụng không gian mạng để tuyên truyền chống Nhà nước; tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước; xuyên tạc lịch sử…). Những quy định này không xâm phạm đến quyền con người, không cản trở tự do ngôn luận, không tạo rào cản, không cản trở hoạt động bình thường, đúng luật của các tổ chức, cá nhân như những thông tin trên mạng xã hội, blog, web phản động tuyên truyền, xuyên tạc trong thời gian vừa qua. Thực hiện đúng Luật, nghĩa là bảo vệ chính mình, người thân và gia đình, đồng thời, góp phần bảo vệ An ninh mạng quốc gia. Mỗi chủ thể cần tự trau dồi kỹ năng nhận diện âm mưu, thủ đoạn gây nguy cơ mất an ninh mạng, nhất là âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Nhận diện được các tổ chức chống đối hoạt động trên không gian mạng…; các website giả mạo, các trang mạng có nhiều nội dung thông tin xấu, độc, Ông Hải khuyến nghị thêm.
Đồng thời, mỗi chủ thể dùng mạng xã hội cần nắm chắc các thủ đoạn tấn công mạng như đánh sập các website; cài gắm vào máy tính cá nhân hoặc lấy tài khoản và mật khẩu; đánh cắp dữ liệu cá nhân (hình ảnh, video); tấn công bằng mã độc (theo tệp đính kèm trong email hoặc ẩn trong quảng cáo Skype); tấn công ẩn danh bằng những phần mềm độc hại (phần mềm diệt virus, các trình duyệt); tấn công qua USB, đĩa CD…Nâng cao ý thức phòng tránh, tự vệ khi tham gia mạng xã hội. Nghiên cứu kỹ trước khi like hoặc chia sẻ các file, các bài viết hoặc các đường link; cảnh giác với trang web lạ (web đen), E-mail chưa rõ danh tính và đường dẫn đáng nghi ngờ; tuyệt đối không a dua, hiếu kỳ, hoặc tham tiền bạc cùng với những lời kích động, xúi giục của các đối tượng xấu. Kịp thời cung cấp thông tin, thực hiện yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người có trách nhiệm, Ông Hải phân tích.
Mỗi chủ thể dùng mạng xã hội cần biết cách tận dụng, sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn và hiệu quả, biến mạng xã hội thành một phương tiện, một kênh hữu ích để mở mang kiến thức, cùng nhau xây dựng môi trường văn hóa mạng xã hội lành mạnh, tránh bị các thông tin ảo chi phối tác động, góp phần phòng chống, ngăn chặn những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch một cách có hiệu quả. Truyền thông miệng bằng cách phổ biến, tuyên truyền trong gia đình, người thân, bạn bè và Nhân dân nơi cư trú các quy định của Luật An ninh mạng để mọi người nắm, hiểu và không thực hiện các hành vi vi phạm liên quan đến an ninh mạng, góp phần xây dựng “không gian mạng lành mạnh từ cơ sở”, Ông Hải nói.
Trong khi đó, dẫn chứng luật Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) Hồ Minh Sơn cho biết theo Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyên điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân… bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.Trong trường hợp tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng, theo quy định tại Khoản 2, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Người vi phạm còn phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm, Ông Sơn cho biết thêm.
Theo Khoản 2, Điều 155 của Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng xã hội, sửa đổi, bổ sung năm 2017, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm với tình tiết định khung là “Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”. Người có hành vi vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị xúc phạm, ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm nếu có thiệt hại xảy ra theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015. Mức thiệt hại được quy định chi tiết tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015…Phân tích thêm, Ông Sơn cho biết.
Thạc sỹ Mai Thanh Hải đại diện Viện IMRIC cùng đoàn doanh nghiệp thành viên Viện IMRIC có chuyến kết nối giao thương tại Bắc Kinh (Trung Quốc) mới đây
Việc ứng xử một cách khéo léo, có kỹ năng và trách nhiệm xã hội của từng chủ thể dùng mạng xã hội trong cuộc sống hằng ngày, nhất là trên không gian mạng sẽ góp phần nuôi dưỡng, xây đắp cho con người những lý tưởng cao quý, những tư tưởng và tình cảm lớn, những phẩm chất cao đẹp để giúp cho con người vươn tới cái chân, thiện, mỹ, không ngừng hoàn thiện bản thân để xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ đó là yếu tố cốt lõi trách nhiệm pháp lý trong việc thực hiện định danh trên. Tin rằng, mỗi cá nhân cần có thái độ tích cực, ứng xử có văn hóa khi sử dụng mạng xã hội; Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE), Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) sẵn sàng làm nhịp cầu nối tổ chức các buổi toạ đàm để tuyên truyền về yếu tố pháp lý trong việc ứng xử phù hợp trên không gian mạng, đồng thời các cơ quan quản lý theo dõi sát sao từng cá nhân trong đơn vị để kịp thời xử lý khi phát hiện những vấn đề ứng xử thiếu văn hóa trên không gian mạng…
Văn Hải – Trần Danh