(TVPLO) – Doanh nghiệp, cá nhân cần chủ động chuẩn bị chiến lược về thị trường, truyền thông để thâm nhập thị trường mới. Theo đó, cần phải có một cấu trúc tổ chức thích hợp để mở rộng và chiếm lĩnh thị trường mới, giữ vững thị phần cũ là một thách thức to lớn hơn. Trong đó, cần chủ động về bản quyền, bảo hộ, nhãn hiệu, các yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Ảnh minh hoạ
Có thể thấy, câu chuyện bản quyền giống thanh long ruột đỏ LD1, nhìn lại trước đây cũng từng xảy ra việc thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột (Buonmathuot Coffee) bị một doanh nghiệp tại Trung Quốc đăng ký bảo hộ và Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột đã phải khiếu kiện đòi lại thương hiệu rất tốn kém, mất thời gian. Hay chuyện nước mắm sản xuất tại Thái Lan đã “mượn tên” Phú Quốc để xuất khẩu ra nước ngoài, cũng dẫn đến kiện cáo…Thông qua những vụ việc này cho thấy, doanh nghiệp, cá nhân trong nước cần chủ động về bản quyền, bảo hộ, nhãn hiệu, các yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Mặc dù, việc giải quyết khá nhanh, cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và tiêu thụ thanh long giống này của nông dân khi đối tác đòi hỏi bản quyền giống thanh long ruột đỏ LD1 khi nhập hàng được. Tuy nhiên, điều này đã đặt ra vấn đề doanh nghiệp và các địa phương cần xem việc đăng ký bản quyền giống cây trồng, đăng ký xác nhận mã vùng trồng, các yêu cầu khác liên quan đền nguồn gốc xuất xứ nông sản là việc phải thực hiện và thực hiện sớm.
Chia sẻ về điều này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Nguyễn Chí Thiện cho rằng, với vụ việc thanh long ruột đỏ LD1, ngay từ đầu, quan điểm của tỉnh Long An ủng hộ việc doanh nghiệp đăng ký bản quyền giống cây trồng nhưng lưu ý doanh nghiệp cần minh bạch, hài hòa lợi ích các bên trên tinh thần cùng phát triển, đúng với quy định pháp luật. Đồng thời, việc thực hiện bảo hộ giống, chứng nhận tác quyền giống không còn lạ lẫm gì đối với nhiều quốc gia. Đối với thị trường xuất nhập khẩu nông sản ngày càng rộng mở, thì khi đi vào sân chơi chung quốc tế chúng ta cũng phải đáp ứng những yêu cầu này. Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An hiện cũng đăng ký tác quyền, quản lý, điều phối một số loại giống cây trồng.
Nhấn mạnh thêm, ông Nguyễn Chí Thiện, cho hay: “Ngành nông nghiệp Long An cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân cũng như các doanh nghiệp, thực hiện đúng theo tinh thần quy định của Luật Trồng trọt về sở hữu trí tuệ và vấn đề bản quyền giống cây trồng… Như vậy, chúng ta mới đảm bảo thực hiện đúng quy định về truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm của các thị trường xuất khẩu siết chặt quy định. Qua đó giúp đảm bảo cho thanh long nói riêng và nông sản nói chung được nâng cao giá trị sản xuất”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch cho biết, hiện nay quá trình số hóa đang diễn ra mạnh mẽ, các doanh nghiệp của Hiệp hội bán hàng qua kênh thương mại điện tử rất tốt, kể cả xuất khẩu. Nhưng trong truy xuất nguồn gốc thì doanh nghiệp trong nước phải ý thức thực hiện cao hơn và pháp luật về vấn đề này cũng phải sửa đổi. Bên cạnh đó, khuyến nghị doanh nghiệp, nông dân hiểu đúng và thực hiện đầy đủ về truy xuất nguồn gốc: “Phải hiểu đúng về truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp khi yêu cầu truy xuất thì đưa ra mã QR và khi quét lên thì không có thông tin gì ngoài địa chỉ công ty, xưởng sản xuất ở đâu hoặc là vùng trồng ở đâu. Trong khi yêu cầu của truy xuất nguồn gốc là để chứng minh rằng là tôi thực hiện tiêu chuẩn an toàn ngay từ đầu, từ khâu đầu đến khâu cuối và toàn bộ quá trình sản xuất”.
Nói về vấn đề này, Tiến sĩ – Luật gia Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC), Tc Nhiếp ảnh và Đời sống cho rằng: Doanh nghiệp, nông dân cần tìm hiểu và xác định thị trường mục tiêu có tính tương đồng với môi trường kinh doanh hiện tại. Có thể bắt đầu ở thị trường Đông Nam Á, châu Á bởi những thị trường có sự tương đồng về văn hóa với thị trường gốc – nơi doanh nghiệp đang hoạt động sẽ không đòi hỏi doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược, chiến thuật hoạt động nhiều. Thế nhưng, để có một chiến lược hiệu quả, doanh nghiệp và nông dân phải xác định được mình muốn một thị trường dễ thâm nhập hay một thị trường tiềm năng, khi nào nên nắm bắt thời cơ, khi nào nên im lặng chờ đợi cũng như cần xác định ưu, nhược điểm, thách thức và cơ hội của doanh nghiệp khi thâm nhập thị trường đó.
Theo Tiến sĩ Hồ Minh Sơn cho rằng doanh nghiệp cần tận dụng mọi nguồn thông tin liên quan có được để xây dựng chiến lược tiếp cận và thâm nhập thị trường. Ngoài những nghiên cứu định tính và định lượng được các chuyên gia chia sẻ về thị trường, doanh nghiệp cần lưu ý sử dụng thêm 2 nguồn sau. Điển hình, mối quan hệ chiến lược với những đối tác đã thông thạo môi trường kinh doanh ở quốc gia đó. Thiếu những đối tác chiến lược này, các doanh nghiệp sẽ khó tìm được chỗ đứng ở bất kỳ thị trường mới nào. Kế đến là những cá nhân đã từng sinh sống tại thị trường doanh nghiệp đang nhắm đến. Đây có thể là những nhân viên hoặc những bạn bè, người quen trong mạng lưới mối quan hệ củadoanh nghiệp. Những người hiểu biết về văn hóa của khu vực đang hướng đến sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường, mở rộng mạng lưới kết nối, xây đắp những gắn kết đầu tiên.
Nói về việc truy xuất nguồn gốc, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn cho biết, các quy định về sở hữu trí tuệ, bảo hộ giống cây trồng và các yếu tố khác liên quan đến truy xuất nguồn gốc đã có trong Luật Sở hữu trí tuệ, nghị định của Chính phủ. Nhưng trên thực tế, các tổ chức, cá nhân thực hiện còn hạn chế do chưa ý thức đầy đủ, do mất thời gian và đòi hỏi phải có kinh phí. Cùng với đó, từ các tranh cãi xung quanh việc bảo hộ thương hiệu gạo ST25 và mới đây là thanh long ruột đỏ LD1 ở một số thị trường nước ngoài cho thấy, bản quyển sở hữu trí tuệ, giống, thương hiệu cho nông sản Việt phải được coi trọng, tránh tương lai bị các thị trường từ chối nhập khẩu.
Tiến sĩ Hồ Minh Sơn, nhấn mạnh: “Cần hiểu rõ hơn về thương hiệu cùng với tên thương mại, nhãn hiệu nông sản, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng thuộc quyền sở hữu nông nghiệp và được pháp luật bảo hộ là điều cần thiết. Các doanh nghiệp cần thích ứng với các cuộc chơi ở thị trường các nước. Ban đầu thực hiện sẽ thấy khó nhưng khi chúng ta hòa nhập, làm được thì có nhiều cơ hội để nông sản vươn xa trên thị trường quốc tế”.
Dẫn chứng Luật, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn cho hay theo quy định tại Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 thì cả tư nhân và nhà nước đều có có quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng tại Việt Nam. Bằng bảo hộ bản quyền giống cây trồng là “giấy thông hành” giúp tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được quyền khai thác giống, được bảo hộ bản quyền trong nước và quốc tế, tạo nên giá trị thương hiệu, hiệu quả kinh tế cao. Khi truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng sẽ biết được giống cây trồng. Ngoài ra, sản phẩm giống cây trồng Việt Nam muốn vươn ra biển lớn, hội nhập quốc tế thì phải tuân thủ đầy đủ các quy định về rào cản kỹ thuật, về chỉ dẫn địa lý, về mã vùng trồng….Hầuhết, những thông tin này phải có khi khách hàng thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản. Tránh tình trạng khá phổ biến hiện nay là truy xuất chỉ đưa được địa chỉ cơ sở sản xuất.
Theo Luật An toàn thực phẩm của Việt Nam hiện nay không bắt buộc thực hiện truy xuất nguồn gốc mà chỉ quy định: Khi có sự cố xảy ra thì doanh nghiệp phải truy xuất. Thế nhưng, nếu doanh nghiệp không thực hiện yêu cầu truy xuất ngay từ đầu thì lúc có sự cố làm sao truy xuất được. Cho nên, cần phải luật hóa truy xuất nguồn gốc hàng hóa, trong đó có nông sản. Ví dụ thực tiễn từ câu chuyện bản quyền giống thanh long LD1 là bài học về minh bạch thông tin, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và chia sẻ quyền lợi, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp được bảo hộ giống cây trồng với nông dân các vùng chuyên canh giống cây trồng đó, doanh nghiệp kinh doanh nông sản đó, Tiến sĩ. Hồ Minh Sơn cho biết.
Như vậy, khi tổ chức sản xuất nông nghiệp, nhất thiết các tổ chức, cá nhân phải thực hiện các quy định pháp luật về bảo hộ bản quyền giống cây trồng và mã số vùng trồng, đảm bảo quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, tạo nên giá trị thương hiệu nông sản. Do vậy, nông sản Việt mới có đầy đủ các điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp khi thị trường trong và ngoài nước ngày càng khắt khe.
Để thâm nhập thị trường và được chấp nhận, doanh nghiệp nên có cái nhìn cởi mở hơn về mặt tư tưởng, chấp nhận thay đổi để thương hiệu gần gũi hơn với thị trường mới. Điều này, thể hiện trong việc thiết kế lại logo, slogan thương hiệu, sử dụng ngôn ngữ địa phương hay kết hợp sản phẩm của doanh nghiệp với sản phẩm truyền thống của địa phương. Tin rằng, doanh nghiệp sẽ có chiến lược một cách nhất quán. Dù linh hoạt đến mức nào thì vẫn không được thay đổi những giá trị cốt lõi của sảnphẩm, thương hiệu. Đây là điều cần được giữ vững trên mọi vùng lãnh thổ mà doanh nghiệp đang hoạt động, bởi đó là thứ giúp gắn kết người tiêu dùng với doanh nghiệp và hơn nữa sẽ giúp cho thương hiệu không bị hòa tan, đánh mất bản sắc của mình.
Hoàng Thanh Quý – Q. Viện trưởng Viện IRLIE, CVP Viện IMRIC