(TVPLO) – Tại Điều 3 Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính quy định: “Cho vay tiêu dùng là việc công ty tài chính cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng là cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn để mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó”.
Ảnh minh hoạ
Chia sẻ về điều này, Tiến sỹ. Nhà báo – Luật gia Hồ Minh Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLPIE), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống phía Nam, Giám đốc Chi nhánh số 1 (Trung tâm tư vấn pháp luật tại TP.HCM) cho rằng tín dụng tiêu dùng có vai trò rất quan trọng với người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Với người dân, tín dụng tiêu dùng đáp ứng nhu cầu thiết thực hàng ngày của người dân, trong đó làm cho quản lý tài chính cá nhân tốt hơn. Đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tài chính tiêu dùng đáp ứng về vốn và giúp các hộ kinh doanh này quay vòng đồng vốn nhanh hơn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đối với nền kinh tế, lĩnh vực này có vai trò quan trọng góp phần phát triển thị trường tài chính chung và đặc biệt với xã hội, giúp giảm tệ nạn tín dụng đen.
Được biết, hiện dư nợ của các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 2%) trong tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng, chưa kể sự bùng phát của các app cho vay với thủ tục nhanh gọn lôi kéo người dân có nhu cầu vay nhanh.
Cụ thể, ngày 27/12/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2022 và định hướng nhiệm vụ năm 2023 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tại đây, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, năm 2022 là năm có nhiều khác biệt so với mọi năm, trong điều hành vĩ mô nói chung và với ngành Ngân hàng nói riêng.
Theo đó, nền kinh tế vừa trải qua hai năm khó khăn do dịch bệnh COVID-19, gây ra tác động không nhỏ tới đời sống kinh tế – xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Đặcbiệt, nhờ có nhiều biện pháp hỗ trợ phục hồi của Chính phủ, nền kinh tế đang từng bước hồi phục, nhiều doanh nghiệp vực dậy rất nhanh, nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, thị trường lao động, thiếu hụt nguyên vật liệu, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, chuỗi sản xuất trong nước và quốc tế…Ngoài ra, xung đột Nga – Ukraine kéo dài, ảnh hưởng đến sản xuất, dòng tiền lưu thông hàng hóa, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.
Có thể thấy, Việt Nam có sự phát triển của tài chính tiêu dùng trong những năm qua đã được ghi nhận, không chỉ bởi sự gia tăng về quy mô và tốc độ tăng trưởng mà còn bởi những hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế xã hội. Thế nhưng, tín dụng tiêu dùng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM). Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Tú Anh, phó Vụ Trưởng vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, vai trò quan trọng của tín dụng tiêu dùng trong việc giúp đỡ bà con nông dân ở vùng nông thôn. Đồng thời, ông Nguyễn Tú Anh, nhấn mạnh: “Tín dụng tiêu dùng hỗ trợ cho một cộng đồng người không tiếp cận được tín dụng chính thức. Tín dụng tiêu dùng không chỉ cung cấp tiêu sản mà cung cấp một dạng tài sản lưỡng dụng, ví dụ như người ta vay mua một xe máy để dùng thì xe máy đó là vật để tiêu dùng nhưng cũng là công cụ để bà con vùng nông thôn vùng sâu vùng xa đưa hàng hóa ra chợ sản sinh thêm tài sản, tín dụng tiêu dùng đang hỗ trợ như vậy cho nền kinh tế này”.
Tiến sỹ Hồ Minh Sơn dẫn chứng, vào ngày 04/11/2019, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 18/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN (Thông tư số 18). Những quy định này tiếp tục hướng đến việc đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, phù hợp với yêu cầu của Chính phủ. Theo đó, về giới hạn cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng, tại khoản 4, 5, 6 Điều 8a thuộc khoản 11 Điều 1 Thông tư số 18 quy định: Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tại một công ty tài chính so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính đó tại thời điểm cuối ngày làm việc liền kề trước ngày ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng phải tuân thủ tỷ lệ tối đa theo lộ trình sau đây: Từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021: 70%; từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022: 60%; từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023: 50%; từ ngày 01/01/2024: 30%; Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng và tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính quy định tại khoản 4 Điều này bao gồm cả số tiền cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tại các hợp đồng đã được ký kết đến hết ngày ký kết hợp đồng quy định tại khoản 4 Điều này nhưng chưa giải ngân.
Trong đó, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tại một công ty tài chính quy định tại khoản 4, 5 Điều này chỉ bao gồm khách hàng có tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp (bao gồm cả số tiền cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tại các hợp đồng đã được ký kết đến ngày ký kết hợp đồng quy định tại khoản 4 Điều này nhưng chưa giải ngân) tại công ty tài chính đó trên 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng)”; Hiện mới chỉ có 16 công ty tài chính hoạt động theo Luật Tổ chức tín dụng, còn lại là hàng trăm nghìn các cửa hàng cầm đồ, các ứng dụng, các cá nhân tự đặt tên là “công ty tài chính” và cũng thực hiện hoạt động cho vay, dễ gây hiểu nhầm là công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Cho vay tiêu dùng qua công ty tài chính đã giúp đáp ứng các nhu cầu vốn của nhiều người dân, Tiến sỹ Hồ Minh Sơn chia sẻ thêm.
Nói về thực trạng các tổ chức không được cấp phép vẫn cho vay, huy động vốn trái pháp luật, Tiến sỹ Hồ Minh Sơn cho rằng: “Hầu hết những đơn vị không được NHNN cấp phép không được sử dụng những tên như ngân hàng hay công ty tài chính gây hiểu lầm cho khách hàng. Thế nhưng, vẫn có rất nhiều công ty, app trôi nổi không được phép ngang nhiên cho vay hay huy động tiền rất phổ biến”.
Dẫn chứng thêm, Tiến sỹ Hồ Minh Sơn cho biết theo Thông tư số 18 quy định giới hạn cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với các khoản vay có giá trị lớn (trên 20 triệu đồng). Theo đó, không hạn chế đối với nhu cầu món vay nhỏ dưới 20 triệu đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, phù hợp với yêu cầu của Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Mặt khác, quy định lộ trình đến ngày 01/01/2024, các công ty tài chính mới phải tuân thủ tỷ lệ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tối đa 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, do vậy, không tác động nhiều đến hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính do đã có thời gian chuyển tiếp để đảm bảo tuân thủ các tỷ lệ theo lộ trình.
Cũng theo Tiến sỹ Hồ Minh Sơn cho hay, theo quy định tại Nghị định số 39/2014/NĐ-CP ngày 07/5/2014 của Chính phủ thì công ty cho thuê tài chính được cấp tín dụng tiêu dùng (bao gồm: cho vay tiêu dùng, cho vay giải ngân cho bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ và cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng) và phát hành thẻ tín dụng); cho vay phục vụ nhu cầu đời sống trong giới hạn 30% tổng dư nợ. Do đó, nếu tính cả dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống thì tỷ lệ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp thực tế (cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống) trên tổng dư nợ còn cao hơn mức 30%. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách, các văn bản dưới luật về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững.
Tiến sỹ Hồ Minh Sơn khuyến nghị, chính quyền địa phương cần nâng cao hơn nữa nhận thức cho người dân về dịch vụ tài chính tiêu dùng. Theo đó, cơ quan chức năng cần phải triển khai các chiến dịch tư vấn tốt cả trước, trong và sau quá trình khách hàng sử dụng dịch vụ. Vì vẫn còn không ít người dân hiện có thói quen chưa tìm hiểu tường tận các quy định cho vay tiêu dùng, nghĩa vụ và ý thức trả nợ lại kém, dẫn đến những mâu thuẫn, gây nên những cách nhìn không hay về dịch vụ cho vay tiêu dùng. Song song đó, cần có chiến lược truyền thông giúp người dân nắm bắt được danh sách các công ty tài chính do NHNN cấp phép nhằm hướng dẫn cách tiếp cận, thủ tục và điều kiện, giúp người dân tránh xa tín dụng đen.
Tin rằng, nhằm tạo điều kiện cho hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển an toàn, lành mạnh trong thời gian tới. Về phía các cơ quan quản lý, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, trong đó có các công ty tài chính; tạo điều kiện cho các công ty tài chính quy mô vừa và nhỏ phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh thông qua việc thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi quốc tế; nên xem xét, tính toán để hạn mức tín dụng của công ty tài chính phù hợp với đặc thù của loại hình này, không đánh đồng như ngân hàng thương mại.
Văn Hải – Công Danh