(TVPLO) – Trong khuôn khổ chương trình đào tạo chuyên sâu “Quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp” thuộc chuỗi Startup MasterTrack do Saigon Innovation Hub (SIHUB), Học viện Kỹ năng VTALK và Hành trình Khởi lửa Hành trang SFVN đồng tổ chức, chuyên đề đã mang đến một hành trình học thuật lẫn thực tiễn kéo dài 6 buổi với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực luật, sáng chế và công nghệ. Trong đó, những buổi học cuối đã để lại nhiều dấu ấn khi đề cập đến các vấn đề gai góc như tranh chấp sở hữu trí tuệ, mô phỏng pháp lý bằng AI và đặc biệt là mối liên hệ giữa trí tuệ nhân tạo và việc phát triển tài sản trí tuệ trong môi trường doanh nghiệp hiện đại.
Chuỗi chương trình Startup MasterTrack do Saigon Innovation Hub (SIHUB), Học viện Kỹ năng VTALK và Hành trình Khởi lửa Hành trang SFVN đồng tổ chức
Gây chú ý và nhận được sự quan tâm đặc biệt từ học viên là phần trình bày của Tiến sĩ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật Toàn Tâm (TTLCC); Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam. Trong phần chia sẻ của mình, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn không chỉ tập trung vào lý thuyết mà còn dẫn dắt học viên qua những kịch bản mô phỏng tranh chấp thực tế, từ vi phạm bản quyền thương hiệu đến chiếm đoạt tài sản sáng tạo trong môi trường số. Với vốn kiến thức sâu rộng và khả năng diễn giải giàu thực tiễn, ông đã giúp người học hiểu rõ cơ chế pháp lý liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong nước và quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập các hiệp định như TRIPS và CPTPP.
Tiến sĩ Hồ Minh Sơn không chỉ tập trung vào lý thuyết mà còn dẫn dắt học viên qua những kịch bản mô phỏng tranh chấp thực tế, từ vi phạm bản quyền thương hiệu đến chiếm đoạt tài sản sáng tạo trong môi trường số tại Startup MasterTrack
Tiến sĩ Hồ Minh Sơn nhấn mạnh rằng, trong thời đại AI và thương mại toàn cầu, tài sản trí tuệ không còn là “giấy chứng nhận để ngắm”, mà là một công cụ chiến lược giúp doanh nghiệp định vị thương hiệu, tạo giá trị cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trên thị trường. Ông cũng cảnh báo về các hình thức tranh chấp mới đang phát sinh liên quan đến đạo đức AI, mô phỏng dữ liệu và phân phối nội dung kỹ thuật số xuyên biên giới – những vấn đề đòi hỏi tư duy pháp lý cập nhật và phản ứng linh hoạt từ cả nhà quản trị lẫn luật sư doanh nghiệp.
Tiếp nối chuỗi nội dung pháp lý là sự xuất hiện của Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như, Giám đốc Công ty Luật An Luật – người được biết đến rộng rãi trong giới luật với biệt danh “siêu soi và siêu ghim” trong các vụ việc ly hôn thương mại và tài sản. Trong chương trình, bà mang đến một cách nhìn khác biệt về các vấn đề pháp lý của startup và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), tập trung vào các hợp đồng thương mại, điều khoản bảo hộ tài sản vô hình và những sai lầm pháp lý mà startup thường mắc phải ở giai đoạn khởi đầu.
Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như – Giám đốc Công ty Luật An Luật rà soát pháp lý cho các doanh nghiệp tại Startup MasterTrack
Không chỉ là một luật sư thương mại sắc bén, bà Quỳnh Như còn truyền cảm hứng qua tinh thần nhân văn và sự cân bằng giữa luật pháp và đạo lý kinh doanh. Tác phẩm của bà – “Trong mất mát, tình người vẫn vẹn nguyên” – được nhiều học viên biết đến như một phần phản chiếu quan điểm hành nghề đầy nhân bản mà bà luôn theo đuổi. Trong phần giao lưu, bà khuyến khích các nhà sáng lập hãy coi luật như bạn đồng hành từ đầu, chứ không chỉ là “người chữa cháy” khi có tranh chấp nổ ra.
Chuyên gia David Martin Nguyen đồng hành cùng Startup MasterTrack 2025
Một điểm nhấn học thuật được ghi nhận từ chương trình là phần chia sẻ của Chuyên gia David Martin Nguyen – nhà sáng chế người Mỹ gốc Việt, từng là Giám đốc R&D tại nhiều tập đoàn năng lượng hàng đầu Hoa Kỳ và hiện là Cố vấn cấp cao về sáng chế tại TECHFEST Việt Nam. Với kinh nghiệm hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực sáng chế và thương mại công nghệ quốc tế, ông David mang đến bức tranh toàn cảnh về cách thiết lập hệ thống lưu trữ và bảo hộ tài sản trí tuệ, đặc biệt là trong việc bảo hộ bằng sáng chế tại thị trường Hoa Kỳ – thị trường được xem là khắt khe nhất nhưng cũng có tiềm năng thương mại cao nhất.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh vai trò của hệ thống phân quyền, bảo mật sáng chế và phần mềm hỗ trợ quản trị SHTT như một phần không thể thiếu trong quá trình nội địa hóa sở hữu trí tuệ tại doanh nghiệp Việt Nam. Với ông, “sáng chế không phải là sản phẩm của trí tuệ cá nhân, mà là kết quả của hệ sinh thái bảo hộ, thương mại hóa và cộng hưởng tri thức trong doanh nghiệp.”
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Nhung – Phó Trưởng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM chia sẻ tại chương trình
Đồng hành cùng chương trình, Bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung – Phó Trưởng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM cũng có phần chia sẻ về Sở hữu trí tuệ và hướng dẫn hơn 30 Doanh nghiệp cách thức đăng ký Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.
Tiến sĩ danh dự – Nhà sáng chế Trần Duy Hào chia sẻ casestudy thực tế về định giá tài sản trí tuệ khi tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam
Một góc nhìn thực tế và giàu cảm hứng khác đến từ Tiến sĩ danh dự – Nhà sáng chế Trần Duy Hào, người từng gọi vốn thành công tại Shark Tank Việt Nam bằng chính tài sản trí tuệ do mình sở hữu. Là kỹ sư hàng không – dầu khí, đồng thời là CEO của StarGlobal 3D, ông Hào đã chia sẻ hành trình định giá tài sản trí tuệ, thương mại hóa sáng chế và thuyết phục các nhà đầu tư bằng hồ sơ sáng chế thay vì bản demo. Những câu chuyện thực chiến từ Shark Tank, quá trình trình bày trước hội đồng thẩm định, cho đến việc biến mô hình Scan 3D trở thành sản phẩm ứng dụng trong giáo dục và công nghiệp đã giúp học viên có một hình dung rõ ràng và thiết thực về “đường đi” của tài sản trí tuệ – từ ý tưởng đến thị trường, từ sáng tạo đến gọi vốn thành công.
ThS. Luật sư Đặng Thanh Sâm, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) khép lại chuyên đề bằng các nguyên tắc ứng dụng AI trong phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ tại Startup MasterTrack 2025
Đồng thời, ThS. Luật sư Đặng Thanh Sâm, Phó viện trưởng Viện IRLIE, đã giúp khép lại chuyên đề bằng các nguyên tắc ứng dụng AI trong phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ. Từ vấn đề pháp lý khi AI tham gia tạo nội dung, đến quy tắc đạo đức khi dùng AI mô phỏng ý tưởng sáng tạo, ông Sâm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng khung pháp lý tương thích, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành điều chỉnh hành lang pháp lý để phù hợp với tốc độ phát triển công nghệ.
Chương trình khép lại với nhiều bài học, tình huống và tri thức được chia sẻ sâu sắc, thực tế – mở ra hướng tiếp cận mới cho cộng đồng khởi nghiệp trong quản trị tài sản trí tuệ. Không chỉ là câu chuyện pháp lý, sở hữu trí tuệ đã trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược phát triển bền vững và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên số.
Kết thúc chương trình, Bà Lê Bảo Ngọc cùng BTC chương trình và Tiến sĩ Hồ Minh Sơn, Luật sư Đặng Thanh Sâm trao chứng nhận cho các doanh nghiệp tham gia đào tạo
Bà Võ Thị Mỹ Duyên – Thạc sĩ Quản lý Giáo dục, Giám đốc Đào tạo Học viện Kỹ năng VTALK – BTC chương trình cho biết: “Chúng tôi rất cảm ơn các Chuyên gia, Tiến sĩ, Thạc sĩ, Luật sư đã dành nhiều thời gian và tâm huyết đồng hành cùng hơn 30 startup trong xuyên suốt chương trình. Quản trị Tài sản Trí tuệ bằng AI là nội dung khó và chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm, nhưng lại có giá trị vô cùng quan trọng trong thời đại hiện nay. Nhờ vào những chia sẻ thực chiến từ các chuyên gia, hy vọng rằng các doanh nghiệp sau khóa đào tạo sẽ áp dụng ngay vào thực tế doanh nghiệp của mình”.
Thúy Hằng – Ngọc Lan/Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam